Chấn chỉnh tình trạng cán bộ đùn đẩy trách nhiệm

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/05/2023 22:01 GMT+7

VTV.vn - Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm. Đây là vấn đề được nhắc tới nhiều trong thời gian qua.

Cách đây 2 ngày, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì, Thường trực Ban Chỉ đạo đưa ra yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Một câu hỏi đặt ra, tại sao Ban Chỉ đạo lại nhận định đây là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?

Thực tế đã cho thấy những biểu hiện né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo. Kết thúc quý 1 năm nay, tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ vỏn vẹn có 0,7%. Trong rất nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan thì lãnh đạo thành phố cũng thẳng thắn thừa nhận có việc cán bộ chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Có thẳng thắn chỉ ra được thực trạng thì mới có thể đưa ra giải pháp tháo gỡ. Bắt được bệnh rồi thì mới kê đơn điều trị chính xác được. Nhìn vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương trong quý 1, có địa phương đạt kết quả cao, có bộ, ngành lại chẳng giải ngân được đồng nào. Điều này cho thấy không phải lúc nào cũng đổ lỗi cho cơ chế mà vấn đề là con người vận dụng cơ chế đó như thế nào. Thậm chí, tình trạng đùn đẩy cho nhau cũng không chỉ gói gọn trong trong hoạt động kinh tế xã hội.

Trong tổng hợp báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp Quốc hội thứ 5 sắp diễn ra vào cuối tháng này, cử tri đề nghị cần có quy định của pháp luật để ngăn chặn, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức "giữ an toàn quá mức cần thiết", không dám giải quyết công việc. 

Như vậy, câu chuyện cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, Đảng đã biết và đã có chỉ đạo; cử tri cũng đã biết và có kiến nghị. Điều này đòi hỏi phải có hành động cụ thể để xử lý những cán bộ không dám làm, dẫn đến những hệ lụy xấu đối với quá trình phát triển, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước