Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức hào hùng của những nữ chiến sĩ

Thùy Linh-Thứ ba, ngày 09/04/2024 11:40 GMT+7

VTV.vn - Tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng sự có mặt của những nữ chiến sĩ đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Những ngày này, cả nước đang sống trong khí thế hào hùng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, "giặc đến nhà - đàn bà cũng đánh", bất chấp gian khổ, hiểm nguy, hàng chục nghìn phụ nữ đã hăng hái ra tiền tuyến.

Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, chiếm một nửa số ngày công phục vụ. Tuy không trực tiếp cầm súng, nhưng sự có mặt của những nữ chiến sĩ đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

Cuối tháng 3/1954, gần 100 km đường hào trục đã được bộ đội Việt Nam hoàn thành trong 10 ngày, bao vây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và tiến sát căn cứ của địch.

Có mặt ở giao thông hào những ngày lịch sử đó, cụ Đỗ Thị Vấn, khi đó mới 24 tuổi, ở đội điều trị 3, làm nhiệm vụ hậu cần, chăm sóc các thương bệnh binh.

Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức hào hùng của những nữ chiến sĩ - Ảnh 1.

Dù tuổi đã cao, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn còn vẹn nguyên khí thế hào hùng của tuổi thanh xuân phơi phới.

Đội 3 khi đó trực tiếp phục vụ các trận đánh ở đồi Độc Lập, Bản Kéo, Nà Tấn, Mường Phăng. Chiếc đèn dầu làm cụ nhớ lại những đêm chăm sóc thương binh.

"Đội điều trị 3 chia làm 3 khu, khu trọng thương, nơi tôi làm việc, khu trung thương và khu kinh thương. Khi anh em về, thì mang sữa, cháo cho anh em", cụ Đỗ Thị Vấn, nguyên chiến sĩ Đội điều trị 3 (tiền thân Bệnh viện Quân y 103), chia sẻ.

Cùng với cụ Đỗ Thị Vấn, cụ Đặng Thị Kiễn cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Dù đều đã ngoài 90 tuổi, hai cụ vẫn nhớ như in những tháng ngày gian khổ, khi nhường chăn đắp cho thương binh, lúc lại băng rừng tìm rau xanh và củ măng.

"Lội qua suối nước to, ngồi trong cái nồi đồng to, bơi sang bên kia sông để đào măng, củ măng rừng to để mang về luộc cho thương binh ăn", bà Đặng Thị Kiễn, dân công hỏa tuyến, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhớ lại.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng đội 3 đã tiếp nhận, cứu chữa, điều trị và chuyển về tuyến sau an toàn cho hơn 2.000 thương binh. Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, hàng chục nghìn phụ nữ đã tham gia thanh niên xung phong, làm đường, vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược ra chiến trường…

Dù tuổi đã cao, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn còn vẹn nguyên khí thế hào hùng của tuổi thanh xuân phơi phới. Họ chính là những người góp phần không nhỏ cho một mốc son chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” - Biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” - Biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng

VTV.vn - Chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” là một trong số nhiều kỷ vật gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước