Trong buổi làm việc chiều nay, thay mặt Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về bảo hiểm xã hội một lần.
Trong báo cáo này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội như quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Trong báo cáo của Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội về Báo cáo của Chính phủ về bảo hiểm xã hội một lần, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề xuất 2 phương án xử lý kiến nghị của Chính phủ. Theo đó, phương án 1 là tán thành với đề xuất của Chính phủ cho phép người Lao động nghỉ việc sau thời gian một năm thì được hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần, tuy nhiên, cần có lộ trình để nâng dần điều kiện thời gian nghỉ việc từ 2 đến 3 năm mới được nhận Bảo hiểm xã hội một lần. Với phương án 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ ban hành văn bản theo thẩm quyền đề hướng dẫn thực hiện Chính sách này.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã được xây dựng theo quy trình chặt chẽ, đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu hướng trên thế giới và đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam đang hướng tới một chiến lược an sinh lâu dài cho người lao động và bảo hiểm xã hội là một trụ cột, là nòng cốt nhất trong an sinh xã hội. Còn nếu không thể ban hành một nghị định thì có thể sửa Điều 60 theo hướng linh hoạt như đề xuất của Chính phủ.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, làm luật mới, sửa luật, bổ sung luật cũng là chuyện bình thường phải làm. Đây là công việc của Quốc hội. Nhưng làm luật nào cũng cần phải có căn cứ, phải có nguyên tắc và sự cần thiết. Hiện Chính phủ mới trình Thường vụ Quốc hội xin chủ trương chưa phải là tờ trình xin sửa luật. Vì vậy Thường vụ Quốc hội chưa có đủ căn cứ để xem xét sửa hay không sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình và lấy ý kiến Quốc hội tại kỳ họp tới.
Trước đó, trong ngày hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Bộ Luật dân sự sửa đổi và dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.