Từng là cộng tác viên, phóng viên, của nhiều tờ báo, đài truyền hình, thế nhưng Phạm Thị Đoan Trang đã bỏ việc, câu kết với các phần tử chống đối, phản động, sử dụng chiêu trò "phản biện xã hội" qua báo chí để xuyên tạc những sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, các vấn đề được xã hội quan tâm.
Nếu lướt qua, ai cũng nghĩ đây là cuốn sách viết về tình mẹ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ bị tiêm nhiễm bởi những cuốn sách với vỏ bọc mỹ miều nhưng lại ẩn chứa nội dung phản động.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Một nhà văn lợi dụng sức mạnh của nghệ thuật để truyền bá cho một điều xấu, một điều sai thì sức lan tỏa mạnh hơn và công phá lớn hơn. Điều đó rất nguy hiểm. Chắc chắn một nhà văn khi cất tiếng định hướng cho người đọc một điều sai thì nó sẽ kéo theo hệ lụy rất nhiều, không chỉ cho người đọc đó mà còn nhiều thế hệ khác nữa, ảnh hưởng trên diện rộng".
Thủ đoạn sử dụng chiến lược diễn biến hòa bình trong lĩnh vực văn hóa như thế này đã được triệt để tiến hành nhiều năm qua. Không thiếu những hội nhóm hoạt động văn học, nghệ thuật, báo chí tự xưng, với các tác phẩm mang nội dung xuyên tạc, bôi nhọ, tấn công vào nền tảng tư tưởng văn hóa, vào hệ thống chính trị đất nước.
Nhằm chống lại chiến lược diễn biến hòa bình trên lĩnh vực văn hóa, cùng với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tăng cường ý thức trách nhiệm của mỗi công dân, thì cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những văn, nghệ sĩ chân chính. Với những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thực đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới, họ chính là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, một trong những mặt trận liên quan đến sự tồn vong của một dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!