Chủ tịch nước dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng

PV (Theo TTXVN)-Thứ tư, ngày 14/12/2022 16:54 GMT+7

VTV.vn - Sáng 14/12, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự, phát lệnh khởi công dự án quan trọng này. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Chủ tịch nước dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Dự án bến Cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Theo quy hoạch, tổng diện tích khu cảng biển Liên Chiểu là 450 ha. Dự án gồm: Đê và kè chắn sóng, luồng tàu, hạ tầng kỹ thuật kết nối khả năng đáp ứng cho các tàu tổng hợp, hàng rời trước mặt trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chứa 6.000 - 8.000 TEU. Theo khảo sát, đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cảng Liên Chiểu hoàn toàn đủ điều kiện để đầu tư thành cảng quốc tế với quy mô ngang với Tân Cảng (Thành phố Hồ Chí Minh) và Lạch Huyện (Hải Phòng)…

Chủ tịch nước dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung là một hợp phần rất quan trọng của Cảng Đà Nẵng. Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế, mà còn là có vị trí "yết hầu" về quốc phòng - an ninh của đất nước. Bởi đây là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế.

Chủ tịch nước nêu rõ, việc khởi công dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu là bước cụ thể hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự án sẽ đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nghe giới thiệu về tổng thể dự án. Ảnh: Thống Nhất- TTXVN

Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào, Chủ tịch nước cho rằng, Cảng Liên Chiểu sẽ là "điểm sáng tạo bứt phá" không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực miền Trung. Dự án còn nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững "phên dậu, mạng sườn" tiền tiêu cho Tổ quốc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc Nhà nước đầu tư Cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết, thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển.

Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung. Vì vậy, các cảng Chân Mây… đều có đề án phát triển riêng, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước đề nghị chính quyền, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan công trình gương mẫu, tiên tiến trong thi công; không để xảy ra thất thoát, không tham nhũng; đặc biệt cần đảm bảo đúng tiến độ và đưa vào sử dụng năm 2025. Đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình "cảng xanh" theo xu hướng của thế giới.

Chủ tịch nước cũng đề nghị cần đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng. Đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan.

Lưu ý lượng hàng hóa rất quan trọng đối với cảng, hàng nhiều, chất lượng cao thì hiệu quả cảng cao và ngược lại, Chủ tịch nước đề nghị thành phố Đà Nẵng có biện pháp thu hút các nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á và thế giới đến với Cảng.

Thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn thúc để dự án sớm hoàn thành, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Chủ tịch nước lưu ý, đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân. Do đó, cần chú ý "làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống". Nhấn mạnh đến khâu kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc là rất quan trọng, Chủ tịch nước đề nghị cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước