Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng 13/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tới thăm và chúc mừng các thầy cô giáo và các em sinh viên tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm Khoa Triết học, nơi cách đây hơn 30 năm, một số sinh viên ngành Triết đã được học tập cùng các thầy cô giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của thế hệ trẻ. Nhiều năm qua, các thế hệ giảng viên vẫn bền bỉ nghiên cứu và phối hợp cho ra đời nhiều giáo trình giảng dạy quan trọng, từ đó góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa, giá trị thời đại của Chủ nghĩa Mác - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chủ tịch nước bày tỏ xúc động bởi nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn nhận được sự quan tâm, theo dõi và đóng góp ý kiến của các thầy cô. Kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực của các thầy cô chính là tấm gương sáng, động viên các thế hệ sinh viên bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão để phụng sự xã hội.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết: ''Vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, thế giới nói chung đang đứng trước một cuộc khủng hoảng về mô hình chủ nghĩa xã hội. những người đăng ký ngành Triết học cảm thấy như mình bị lỡ thời, nhanh chóng chuyển qua các ngành học khác. Vậy mà dưới sự dẫn dắt của đoàn trường, chúng tôi tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ lý luận trẻ để khẳng định sự cần thiết của sự học tập các môn lý luận chính trị trong trường Đại học, bàn về những vấn đề mà xã hội đang quan tâm. Tôi muốn nói thêm về những điều đó để thấy rằng quãng thời gian ở mái trường để lại trong tôi một dấu ấn rất quan trọng trong hành trình phụng sự xã hội, góp phần bảo vệ và phát triển đất nước''.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các thầy cô giáo. Ảnh: TTXVN
Nhấn mạnh truyền thống tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài và coi trọng tri thức của dân tộc, Chủ tịch nước khẳng định, 20/11 là dịp để cả xã hội bày tỏ lòng biết ơn, tri ân các thầy cô, những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người. Chủ tịch nước khẳng định, khát vọng trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào 2045 chỉ có thể trở thành hiện thực khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng, trong đó, trường đại học là nơi phát hiện bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để các cá nhân được phát triển toàn diện; khoa học xã hội và nhân văn thì đóng vai trò quan trọng bởi đó là khoa học về những vấn đề liên quan đến con người, giúp con người trở nên ưu tú. Chủ tịch nước khẳng định, sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển, mà là ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá, chính vì vậy con người luôn nằm ở trung tâm của mọi chính sách.
''Cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý, tạo điều kiện môi trường cho các thầy cô tự học tập, nghiên cứu, trau dồi, phát triển tri thức, có cơ chế để thu hút cán bộ các nhà khoa học giỏi. Với tư cách của một người đứng đầu Nhà nước, tôi thấy rằng trong cơ chế chính sách cũng có những điểm nghẽn chưa góp phần khai mở năng lực sáng tạo của các trường'', Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Với các em sinh viên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng chất lượng dạy và học trong nhà trường đại học chỉ đạt kết quả cao nhất khi các em chủ động, tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu, khát khao khám phá tri thức và hoàn thiện nhân cách. Mong muốn các cơ quan chức năng cùng xây dựng môi trường văn hóa, môi trường học thuật để các em có thể sáng tạo, say mê nghiên cứu và phát triển các năng lực cần thiết để tăng khả năng thích ứng với xã hội và hội nhập quốc tế, khơi dậy khát vọng và ý chí quyết tâm của mỗi cá nhân để góp phần vào sự vươn lên của cả dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!