Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Mỗi xe ô tô cần có mã định danh riêng

PV-Thứ tư, ngày 12/10/2022 15:34 GMT+7

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất với Quốc hội quan tâm đến việc mỗi xe ô tô cần có mã định danh, tài khoản để thực hiện thu phí.

Sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 (Nghị quyết 115) về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và ghi nhận các địa phương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh chủ động có sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã rất nhanh chóng, tập trung tiến hành thẩm tra kĩ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội khẳng định hai nghị quyết trên là cần thiết, quá trình thực hiện đã cho thấy tính đúng đắn. Việc ban hành hai Nghị quyết trên đã hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội đối với 2 trung tâm lớn của đất nước.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Mỗi xe ô tô cần có mã định danh riêng - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội làm rõ, trong quá trình thí điểm, một số cơ chế, chính sách được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi nghiên cứu xây dựng chính sách chung, đại trà. Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng chính sách tăng nguồn chi cho tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động ở các địa phương. Từ một nội dung ban đầu tại Nghị quyết 54, nay đã được quy định tại Nghị quyết 27 do Trung ương ban hành về cải cách chính sách tiền lương và được một số địa phương áp dụng như Hải Phòng, Hà Nội.

Bên cạnh một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh, bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan, tác động của đại dịch ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách chưa thực sự đồng đều, hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hạn chế trong thực hiện một số chính sách là tình hình chung không chỉ ở Hà Nội, Thành phố Chí Minh mà các địa phương khác cũng vậy. Trong đó, những cơ chế sử dụng các nguồn ngân sách thì các cơ quan, đơn vị tích cực đề xuất hơn, vì là chi nên dễ hơn. Còn những cơ chế, chính sách để động viên, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội còn rất hạn chế như chính sách hưởng số thu của việc sắp xếp các cơ sở nhà đất của Trung ương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Lấy ví dụ việc thu phí dừng đỗ ô tô, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu như Hà Nội quản lý tốt chi phí thu phí dừng, đỗ ô tô thì nguồn lực không phải là ít nhưng nay lại chuyển sang cơ chế khoán thu phí sử dụng hè phố, vướng mắc sử dụng công nghệ thông tin trong việc thu phí dừng, đỗ ô tô.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sẽ nghiên cứu để cụ thể những việc mà Thành phố chưa làm được.

Về mã định danh đối với xe ô tô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề xuất với Quốc hội quan tâm đến việc mỗi xe ô tô cần có mã định danh, tài khoản đối với mỗi phương tiện cơ giới đường bộ để thực hiện thu phí trên địa bàn TP. Đây cũng là giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Đối với chính sách về mức dư nợ vay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị giữ nguyên mức cho phép TP được vay không quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp được quy định trong Nghị quyết để bảo đảm dự nguồn ngân sách triển khai các dự án lớn về chi đầu tư phát triển, cải tạo đô thị.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, về Nghị quyết số 115, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và TP Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho Thành phố sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước