Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Cần tối ưu nguồn lực, tránh dàn trải

Thu Trà-Thứ sáu, ngày 01/11/2024 21:57 GMT+7

VTV.vn - Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Ngày 1/11, thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chương trình đã đáp ứng đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để xác định nguồn lực thực hiện chương trình, đảm bảo tính khả thi.

Nhất trí với quy định cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng đề nghị cần chủ động tối ưu nguồn lực đầu tư cho chương trình, không dàn trải, không để xảy ra tình trạng không bố trí nguồn lực để thực hiện ngay sau khi chương trình được phê duyệt chủ trương đầu tư.

"Để văn hóa đi vào cuộc sống, vào từng gia đình, trở thành nền tảng tinh thần, biến thành sức mạnh nội sinh, tôi đề nghị cần xác định và giao nhiệm vụ mục tiêu cụ thể nguồn lực phù hợp, tránh dàn trải phù hợp với văn hóa vùng miền của từng địa phương, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và để việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam", bà Nguyễn Thị Quyên Thanh (đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long) nêu ý kiến.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Cần tối ưu nguồn lực, tránh dàn trải  - Ảnh 1.

Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

"Đề nghị cơ quan chủ trì cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đánh giá, cân nhắc thận trọng khi xác định tỷ lệ vốn đối ứng phù hợp, vì nguồn lực của mỗi địa phương khác, đặc biệt đối với vốn huy động hợp pháp khác dự kiến chiếm 12,4% thì các địa phương khó khăn càng khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội hóa", bà Trần Thị Thu Hằng (đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) đề xuất.

Về quy định đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực Văn hóa, cho rằng đây là nội dung quan trọng mà chương trình đã xác định, tuy nhiên trong bối cảnh công nghệ thông tin và giá trị văn hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ, một số đại biểu đề nghị cân đối bố trí nguồn lực phù hợp trong nhiều lĩnh vực, vùng miền.

"Đề nghị bổ sung thêm nội dung để có cơ sở bố trí nguồn lực, đó là xây dựng và triển khai được 1 đến 2 dự án nhân văn số để tăng cường nhận thức, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phát huy giá trị các di sản văn hóa trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh và giá trị của thương hiệu Việt Nam", bà Trần Thị Hoa Ry (đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) đề nghị.

"Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đào tạo và bảo tồn văn hóa, sử dụng công nghệ số để tạo ra các tài liệu học tập số hóa về văn hóa dân tộc thiểu số, lưu trữ các di sản văn hóa và chia sẻ các bài giảng online về văn hóa truyền thống. Nhờ công nghệ số, người học có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu các giá trị văn hóa mọi lúc, mọi nơi, giúp phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, nền tảng chuyên sâu về văn hóa dân tộc", ông Thạch Phước Bình (đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) nói.

Tại phiên thảo luận, cơ quan soạn thảo cho biết sẽ tiếp thu, hoàn thiện Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua, đồng thời mong muốn các đại biểu tiếp tục đồng hành để triển khai và giám sát quá trình thực hiện.

Bố trí nguồn lực phát triển văn hóa cần có trọng tâm, trọng điểm Bố trí nguồn lực phát triển văn hóa cần có trọng tâm, trọng điểm

VTV.vn - Sáng 8/10, tiếp tục Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước