Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản: Hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả

Việt Cường, Long Nguyễn, Văn Khương, Trung Thành-Thứ ba, ngày 19/12/2023 19:51 GMT+7

VTV.vn - Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản đã kết thúc tốt đẹp.

Với hơn 40 hoạt động diễn ra liên tục trong chưa đầy 4 ngày, chuyến công tác của Thủ tướng đã góp phần cụ thể hóa các khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản bằng những chương trình, dự án cụ thể, tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia bằng sự chân thành, tin cậy.

Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện ngay từ khẩu hiệu của Hội nghị là "Tình hữu nghị vàng, những cơ hội vàng". Ngay từ đầu, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Nhật Bản tổ chức Hội nghị, đồng thời tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản: Hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp chính Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Ảnh:TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các phát biểu sâu sắc, toàn diện, vừa đúc kết kinh nghiệm thành công của 50 năm quan hệ, vừa mang tầm chiến lược trong việc đề xuất 3 định hướng lớn để quan hệ ASEAN - Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực.

"Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh 4 kết nối đó là kết nối về kinh tế - thương mại - đầu tư, cơ sở hạ tầng; kết nối về giao lưu nhân dân và văn hóa; kết nối trong triển khai thực hiện các mục tiêu chung về phát triển bền vững", ông Đỗ Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Nhân dịp này, cùng Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN, Nhật Bản và Australia dự Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên về "Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á", Thủ tướng đã gửi những thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế, trong đó nhấn mạnh cần chung ý chí, quyết tâm cao và hành động quyết liệt để đạt mục tiêu này. 

Đặc biệt, ấn tượng với Học thuyết "từ trái tim đến trái tim" do cựu Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Takeo đưa ra vào năm 1977 đã đặt nền móng cho quan hệ giữa Nhật Bản với ASEAN nên tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng đã đề xuất bổ sung khái niệm "từ hành động đến hành động" và "từ cảm xúc đến hiệu quả" cho quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong tình hình mới với các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, cụ thể. Lãnh đạo các nước ghi nhận và đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản: Hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả - Ảnh 2.

Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng. Ảnh: TTXVN

Theo bà Satsuki Katayama, Thượng nghị sĩ Nhật Bản: "Đó là một phát biểu tuyệt vời từ Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hiện nay, thế giới có nhiều xung đột xảy ra khiến cho giá cả năng lượng tăng cao, gây ra nhiều khó khăn cho người dân ở châu Á. Để đạt được sự ổn định càng sớm càng tốt, tôi mong muốn chúng ta sẽ tăng cường mối quan hệ bền chặt, cùng nhau hành động vì lợi ích của toàn khu vực".

Một trong những trọng tâm lớn trong chuyến công tác của Thủ tướng tới Nhật Bản lần này là góp phần cụ thể hóa, triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản vừa được thiết lập cách đây 2 tuần. Trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả", Thủ tướng đã gặp gỡ, hội kiến, hội đàm với tất cả các nhà lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản gồm: Nhật Hoàng và Hoàng hậu, Hoàng Thái Tử và Công nương, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện. Đồng thời, tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản. Đặc biệt, Thủ tướng đã có cuộc hội đàm rất thành công, hiệu quả với Thủ tướng Nhật Bản. Đây là cuộc hội đàm lần thứ sáu trong 2 năm qua và lần thứ hai trong năm nay giữa hai Thủ tướng.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản: Hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN

Tại các cuộc tiếp, hội đàm, Thủ tướng Kishida và lãnh đạo chính giới của Nhật Bản tiếp tục khẳng định hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Nhật Bản; khẳng định hết sức coi trọng các đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó có việc đơn giản hoá thủ tục tiến tới miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhập cảnh Nhật Bản; việc cung cấp nguồn vốn ODA thế hệ mới với mức ưu đãi cao hơn về lãi suất, thủ tục đơn giản, linh hoạt hơn, tập trung cho các dự án lớn, đột phá trong 5 lĩnh vực trọng tâm, trong đó có hạ tầng chiến lược, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, bến cảng, sân bay, đường bộ cao tốc.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Thủ tướng đã tiếp, làm việc với hàng chục tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản. Thẳng thắn đề cập đến một số dự án hợp tác cụ thể còn tồn tại, vướng mắc giữa hai nước, Thủ tướng đề nghị hai bên phối hợp tích cực với các đối tác giải quyết dứt điểm, như việc tái cấu trúc dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn để giảm lỗ, đẩy nhanh triển khai dự án khí Ô Môn lô B để chậm nhất vào cuối năm 2026 phải có dòng khí đầu tiên...

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản: Hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao văn kiện hợp tác giữa địa phương của Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng cũng đã tham dự và đưa ra nhiều thông điệp quan trọng tại 4 cuộc tọa đàm, diễn đàn lớn để kêu gọi, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mới mà Việt Nam đang có nhu cầu. Trong đó, Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đã thu hút hơn 600 doanh nghiệp hai nước, hội trường không còn một chỗ trống. Điều này cho thấy một sức hút rất lớn từ Việt Nam, nơi có thể nói là điểm đến an toàn trong "cơn bão" khi kinh tế thế giới có nhiều rủi ro. 

Nhân dịp này, các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước đã trao đổi hơn 30 văn kiện hợp tác trị giá gần 3 tỷ USD, trong đó có giấy chứng nhận đầu tư nhà máy điện khí LNG gần 2 tỷ USD tại Thái Bình. Hơn một nửa số văn kiện ký kết thuộc các lĩnh vực hợp tác mới. Đây có thể là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.

Một điểm nhấn rất quan trọng trong chuyến công tác của Thủ tướng là tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Cùng với việc tiếp thống đốc 5 tỉnh của Nhật Bản, Thủ tướng đã đến thăm tỉnh Gunma, quê hương của 4 Thủ tướng Nhật Bản, là một trong những trung tâm phát triển kinh tế công nghiệp lớn của Nhật Bản. Tỉnh đang có khoảng khoảng 12.000 người Việt Nam, là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại tỉnh. Đến nay, đã có hơn 100 cặp quan hệ hợp tác địa phương được thành lập. 

Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi đây là kênh hiệu quả để tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, tăng cường tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước. Nhân dịp này, các địa phương cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, tỉnh Hà Nam và tỉnh Gunma đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển đổi số. Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã làm việc với tập đoàn Aeon về nghiên cứu đầu tư dự án Trung tâm thương mại, gặp các doanh nghiệp Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác về công nghệ thông tin. Đặc biệt, tỉnh đang thúc đẩy các bước để ký kết hợp tác với tỉnh Hiroshima của Nhật Bản vào năm sau.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản: Hợp tác chân thành, tin cậy, hiệu quả - Ảnh 5.

Thủ tướng trao đổi với các thực tập sinh, lao động người Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản trước khi dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: VGP

Chuyến công tác của Thủ tướng đã góp phần thúc đẩy liên kết nguồn nhân lực - lĩnh vực ngày càng quan trọng của quan hệ song phương. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức diễn đàn về hợp tác lao động tại nước ngoài. Trong các cuộc gặp, làm việc, tọa đàm với Thủ tướng, phía Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực người Việt; thúc đẩy bảo đảm quyền lợi, phúc lợi với người lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Đồng thời, hai bên đã thống nhất nhiều giải pháp để tạo điều kiện tối đa trong hợp tác lao động, mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai nước.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng đã gặp hai nguyên Thủ tướng Nhật Bản Fukuda và Suga, đến thăm nhà Cố Thủ tướng Abe Shinzo. Tiếp những người bạn thân thiết lâu năm khác của Việt Nam, Thủ tướng nhiều lần khẳng định, sau 50 năm, sự gắn kết chặt chẽ, sự chân thành, tình cảm, tin cậy chính trị là tài sản quan trọng nhất trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Sự gắn kết từ trái tim đến trái tim phải gắn với "từ hành động đến hành động", "từ cảm xúc đến hiệu quả".

Với những kết quả thiết thực đã đạt được, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhật Bản lần này là hoạt động cấp cao quan trọng và đầy ý nghĩa để khép lại năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản thành công rực rỡ với hơn 500 sự kiện được tổ chức tại cả hai nước. 

Chuyến công tác tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp vào quan hệ ASEAN - Nhật Bản ngày càng sâu rộng, hiệu quả, đồng thời mang lại nhiều kết quả rất thực chất, cụ thể để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vì sự phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì ấm no, hạnh phúc của người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước