Cơ chế đặc thù để TP Hồ Chí Minh dẫn dắt phát triển

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 30/05/2023 20:38 GMT+7

VTV.vn - Chiều 30/5, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc giao thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ tại các xã phường cho Hội đồng nhân dân thành phố là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

"HĐND TP có thẩm quyền căn cứ vào quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ công chức tại các xã phường, đây là quy định rất mới. Ví dụ 1 xã ở Bình Chánh trên 100 nghìn dân, trong khi tổ chức bộ máy cũng như các xã khác thì làm sao cáng đáng nổi, nên tôi cho quy định như thế là rất đột phá" - ông Nguyễn Thanh Sang, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Cơ chế đặc thù để TP Hồ Chí Minh dẫn dắt phát triển - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

"Việc cho tự quyết về biên chế thì chúng ta phải có lộ trình và tính làm sao đến thời điểm hết thời hạn thí điểm ấy, chúng ta giải quyết được câu chuyện con người, giống như đang sắp xếp đơn vị hành chính này này, rất cân nhắc khi hết thời gian thì tổ chức bộ máy nó trở về trong thời gian bao lâu và như nào để tiếp tục vận hành cho tốt" - bà Nguyễn Thị Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình phát biểu.

Cơ chế đặc thù để TP Hồ Chí Minh dẫn dắt phát triển - Ảnh 2.
Cơ chế đặc thù để TP Hồ Chí Minh dẫn dắt phát triển - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Có đại biểu đề nghị quy định theo hướng tăng tính trách nhiệm để quyền hạn, đi đôi với trách nhiệm trong phân cấp, phân quyền thuộc nội bộ thành phố.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về lấy phiếu tín nhiệm

Cũng tại phiên thảo luận chiều nay, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, một số ý kiến đề nghị làm rõ các nội hàm, công khai hơn nữa quy trình và bổ sung diện đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.

"Tôi cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm nội dung về kết quả thực hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực. Đây là một nội dung quan trọng mà toàn Đảng và cả hệ thống chính trị cũng như là từng cán bộ đảng viên phải hệ thống hóa và thực hiện nghiêm túc" - bà Nguyễn Thị Uyên Trang, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu.

"Tôi đề nghị bổ sung thêm một điểm quy định rõ căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm đó là kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mức độ đoàn kết thống nhất của cơ quan đơn vị mà người được lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm giữ vị trí đứng đầu cơ quan đơn vị đó" - đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu.

Dự kiến, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, tháng 10 tới đây.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước