Tuần qua, Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội; vì từ phiên họp trước đến nay đã là 7 tháng. Trong khoảng thời gian đó, các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được xử lý như thế nào? Những vụ đại án có được xử lý đúng tiến độ hay không, mở rộng đến đâu? Và tới đây, Ban chỉ đạo sẽ định hướng công tác này như thế nào?
Tại phiên họp thứ 22 của Ban chỉ đạo vừa diễn ra cách đây 3 ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã đặt câu hỏi: Có thể nói là chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua, điều này có đúng không? Để trả lời câu hỏi này, xin mời quý độc giả theo dõi những con số sau đây:
Từ đầu năm đến nay, 295 đảng viên đã bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái, tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước.
27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Khởi tố mới 297 vụ án, 682 bị can về các tội tham nhũng, tăng 153 vụ, 298 bị can so với cùng kỳ năm trước.
Vụ Việt Á đến thời điểm này đã khởi tố 25 vụ án, 95 bị can, các vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty AIC tiếp tục được mở rộng điều tra.
Hơn 9.000 tỷ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã được thu hồi, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thời gian tới, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật. Định hướng này càng thể hiện rõ quan điểm xử lý tham nhũng tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Tại Phiên họp thứ 22, có một kết quả được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao, thể hiện một bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Và kết quả này cũng là một minh chứng cho quan điểm kiên quyết của Ban chỉ đạo từ trước tới nay, đó là mạnh mẽ chống tham nhũng tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Tháng 4 năm nay, nhiều cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Thuận đã bị xử lý, thậm chí khởi tố, bắt giam do vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, thực hiện dự án. Tuy nhiên, đáng chú ý trong vụ việc này, một Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đã bị kỷ luật khiển trách vì đã vi phạm trong chỉ đạo thanh tra, giải quyết tố cáo và kiểm toán. Điều này thể hiện đúng tinh thần của Ban Chỉ đạo và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, đó là nếu thanh tra, kiểm toán không phát hiện sai phạm, phát hiện mà không xử lý, hoặc xử lý không nghiêm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện ra sai phạm thì trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra, kiểm toán đó sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
Trong bối cảnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vụ việc ngày càng bài bản, có kết quả rõ rệt thì yêu cầu gương mẫu, trong sạch đối với những cán bộ công tác tại các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực càng được coi trọng để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Và đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Tại cuộc họp báo sau phiên họp thứ 22, trả lời câu hỏi về việc Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Ninh Bình đã từng bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn có tên trong Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương cho biết quan điểm nhất quán của Ban Chỉ đạo.
Chỉ một ngày sau phiên họp thứ 22 Ban Thường vụ tỉnh ủy Ninh Bình đã quyết định đưa Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình ra khỏi danh sách Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ở một diễn biến khác, cách đây 2 hôm, một đối tượng thuộc Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ đã bị bắt tạm giam liên quan vụ án xảy ra Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố vụ án và 8 bị can liên quan đến những vi phạm tại Công ty AIC và Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh năm 2012.
"Nói đi đôi với làm" đã được minh chứng bằng những kết quả cụ thể, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi, đồng tình, ủng hộ. Trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 5.000 tin, bài nói về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gần bằng số tin, bài của cả năm 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!