Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi nhậm chức. Việc tham dự hội nghị đã cho thấy sự tiếp nối, tính năng động trong sự vận hành của Chính phủ, khẳng định đóng góp tích cực của Việt Nam đối với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các vấn đề chiến lược của khu vực, đồng thời góp phần tạo dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo Việt Nam và các lãnh đạo ASEAN.
Tháng 4/2021, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 cùng những vấn đề nổi lên tại khu vực, ASEAN đã nhất trí tổ chức Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN, hội nghị trực tiếp lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo ASEAN trong năm 2021 và sau gần 18 tháng các hội nghị ASEAN phải họp trực tuyến do tình hình dịch bệnh.
Ba nội dung chính của hội nghị được các lãnh đạo ASEAN trao đổi gồm hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm. Tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra những sáng kiến, đề xuất khẳng định vai trò, vị trí, sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, góp phần giải quyết những thách thức nổi lên ở khu vực.
Tại hội nghị, từ kinh nghiệm phòng chống dịch COVID-19 thành công của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra hàng loạt sáng kiến như kế hoạch cung cấp vaccine cho người dân, thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm ASEAN về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng cho rằng, ASEAN cần xem xét, xử lý cân bằng, hài hòa, hợp lý, phù hợp với thực tiễn các đề xuất tăng cường, mở rộng hợp tác từ các đối tác, duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, đảm bảo hòa bình, ổn định, tuân thủ luật pháp quốc tế. Đặc biệt, về tình hình Myanmar, Thủ tướng khẳng định tôn trọng Hiến chương ASEAN, không can thiệp vào công việc nội bộ không có nghĩa là bỏ rơi các nước khi gặp khó khăn. Cộng đồng ASEAN cần có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm sớm ổn định tình hình tại Myanmar.
Sau 2 phiên thảo luận, nước Chủ tịch ASEAN đã ra Tuyên bố nhất trí đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường hợp tác ứng phó với COVID-19, phục hồi, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa ASEAN với các đối tác. Tuyên bố cũng thể hiện 5 điểm đồng thuận của ASEAN về vấn đề Myanmar gồm yêu cầu chấm dứt bạo lực; tất cả các bên liên quan hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình; cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại; cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN.
Nội dung tuyên bố cho thấy, những sáng kiến, đề xuất của Việt Nam đã được các quốc gia chia sẻ, đồng thuận cao. Việt Nam đã khẳng định dấu ấn quan trọng trong thành công của hội nghị lần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!