Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV:

Đề nghị bổ sung quy định tòa án hỗ trợ đương sự xác minh, thu thập chứng cứ

Ngọc Hà, Trần Nam-Thứ tư, ngày 22/11/2023 19:46 GMT+7

VTV.vn - Tiếp tục Đợt 2, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Theo dự thảo Luật, Tổ chức của Tòa án nhân dân sẽ được tổ chức theo thẩm quyền xét xử. Như vậy, tòa án cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay sẽ được thay bằng tòa án nhân dân sơ thẩm và phúc thẩm. Sự thay đổi này sẽ bảo đảm tính độc lập của tòa án trong xét xử, tuy nhiên giữa các đại biểu vẫn còn quan điểm khác nhau về quy định này.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa - thống nhất cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, thống nhất sự cần thiết sửa đổi luật với đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn. Về tổ chức và thẩm quyền thành lập tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm, tòa sơ thẩm chuyên biệt, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng cần cân nhắc thêm việc đổi tên Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án phúc thẩm, Tòa án sơ thẩm, cũng như là việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt.

Đề nghị bổ sung quy định tòa án hỗ trợ đương sự xác minh, thu thập chứng cứ - Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức TAND đã nêu tại Tờ trình. Việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết, văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 27.

Góp ý về việc đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy, quy định này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đồng thời cũng phù hợp với Điều 102 Hiến pháp 2013.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, việc đổi mới tổ chức như vậy là sự khẳng định rõ nét nguyên tắc các Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, việc đổi mới này tuy có thể phát sinh chi phí do phải điều chỉnh tên gọi, thay đổi con dấu nhưng vì lợi ích lâu dài, vì sự phát triển của hệ thống Tòa án và sự thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách tư pháp mà Đảng ta đã đề ra, theo đại biểu, cần thiết phải thực hiện bước đi đầu tiên trong việc đổi mới tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, hình thành tư duy về Tòa án được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử chứ không theo cấp hành chính; làm cơ sở để có những bước đổi mới tiếp theo về sau này; bảo đảm tốt hơn độc lập xét xử và khẳng định địa vị pháp lý của Toà án trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà tán thành với việc đổi mới TAND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử như đã quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật.

Tại phiên thảo luận, quy định về thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử, một nội dung mới so với Luật hiện hành, cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, việc Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành.

Bên cạnh đó, tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình chung đã làm thay cho việc đương sự khiến họ trông chờ vào toán, lâu dài dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Một số nước tiên tiến trên thế giới hiện nay đã đề cao vai trò bên nhân sự trong việc chứng minh sự việc. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ của đương sự vẫn đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, Tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ nhưng mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi cho mình. Vì vậy, Tòa án là tìm đến "ông Bao công" để ra phán quyết công bằng cho các bên.

Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, để bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về quy định vấn đề thanh tra, kiểm tra trong quá trình tố tụng, quy định về tòa sơ thẩm chuyên biệt và quy định về ngạch bậc thẩm phán. Đây sẽ là những gợi mở để Ban soạn thảo tiếp thu nghiên cứu tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước