Đề xuất quy trình cấp căn cước điện tử từ 1/7/2024

PV-Thứ năm, ngày 22/02/2024 06:42 GMT+7

Bộ Công an đề xuất trình tự, thủ tục đăng ký căn cước điện tử. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Tại dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Bộ Công an đề xuất quy trình đăng ký căn cước điện tử đối với công dân Việt Nam.

Đăng ký căn cước điện tử với công dân đã được cấp thẻ căn cước

Dự thảo quy định đối với công dân đã được cấp thẻ căn cước, công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp căn cước điện tử.

Công dân xuất trình thẻ căn cước, cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao hoặc địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử.

Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh khuôn mặt, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục (áp dụng đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên) để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập căn cước điện tử.

Sau đó, cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký cấp căn cước điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan Công an và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.

Đăng ký căn cước điện tử với công dân chưa được cấp thẻ căn cước

Dự thảo nêu rõ, với công dân chưa được cấp thẻ căn cước, công dân đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước để làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước; cung cấp thông tin về số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao, địa chỉ thư điện tử (nếu có) và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào căn cước điện tử.

Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử. Công dân ký, xác nhận việc đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.

Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp căn cước điện tử và thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Người đại diện, người giám hộ đã có căn cước điện tử đưa công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện đến cơ quan Công an nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước và sử dụng số điện thoại di động đã đăng ký thông tin thuê bao của mình để thực hiện đăng ký cấp căn cước điện tử cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện.

Dự thảo nghị định quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan Công an có trách nhiệm giải quyết cấp căn cước điện tử trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc với trường hợp cấp căn cước điện tử đối với công dân đã có thẻ căn cước; không quá 7 ngày làm việc với công dân chưa có thẻ căn cước.

Dự thảo cũng nêu rõ công dân Việt Nam được cấp tài khoản định danh mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (căn cước điện tử).

Theo dự thảo, công dân sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng định danh quốc gia.

Công dân sử dụng ứng dụng định danh quốc gia để nhập thông tin về số định danh cá nhân, số thuê bao di động đã đăng ký thông tin thuê bao hoặc địa chỉ thư điện tử (nếu có); cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng định danh quốc gia; thu nhận ảnh khuôn mặt bằng thiết bị di động (áp dụng đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên) và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia.

Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử tiến hành kiểm tra, xác thực thông tin công dân đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử và thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử;

Người đại diện, người giám hộ đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 1 cho công dân Việt Nam là người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ, người được đại diện thông qua căn cước điện tử, số điện thoại di động của người đại diện, người giám hộ.

Bộ Công an đề xuất quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, cùng thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực thi hành.

Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử, do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử gồm danh tính điện tử (số định danh cá nhân; họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay); cùng với đó là một số thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước...

Ngoài ra, căn cước điện tử có thể được tích hợp các thông tin như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định.

Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác...

Triển khai thi hành Luật Căn cước, thu thập ADN, giọng nói từ 1/7/2024 Triển khai thi hành Luật Căn cước, thu thập ADN, giọng nói từ 1/7/2024

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 175/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Căn cước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước