Điểm mới trong quy định miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 09/11/2021 20:25 GMT+7

VTV.vn - Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ có nhiều điểm mới, khắc phục được những điểm chưa phù hợp của Quy định 260.

Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư vừa ký ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, thay thế Quy định 260 của Bộ Chính trị năm 2009.

Quy định 41 với nhiều điểm mới, khắc phục được những điểm chưa phù hợp của Quy định trước đây, đồng thời thể hiện một quyết tâm chính trị rất cao trong xử lý cán bộ theo hình thức miễn nhiễm và từ chức. Đây cũng được xem là một bước đột phá để siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Theo Quy định 41 của Bộ Chính trị, việc miễn nhiệm đối với cán bộ là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Có 6 căn cứ cụ thể để xem xét miễn nhiệm cán bộ. Còn từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, dựa trên 4 căn cứ cụ thể.

"Quy định lần này của Bộ Chính trị đã xác định các căn cứ và các quy trình về việc cho miễn nhiễm và từ chức đối với cán bộ. Yêu cầu đặt ra lần này là phải kiên quyết, kịp thời cho cán bộ miễn nhiệm và từ chức khi cán bộ đủ căn cứ theo quy định của Bộ Chính trị, và không được cho cán bộ từ chức trong trường hợp cán bộ đó là thuộc diện phải miễn nhiệm", ông Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết.

Theo PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển: "Chúng ta đã thể chế hóa bằng các quy định cụ thể gắn liền với các nội dung cụ thể thế nào là miễn nhiệm, trường hợp nào phải xem xét miễn nhiệm và trường hợp từ chức được đặt ra trong trường hợp như thế nào? Các cấp có thẩm quyền xử lý những việc liên quan đến miễn nhiệm, từ chức như thế nào. Tôi thấy đây là một quy định có tính chất hệ thống, chặt chẽ và Quy định 41 kết nối các quy định trước đây của Đảng về công tác xây dựng Đảng".

Một trong những điểm mới nổi bật của Quy định 41 đó là căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, sẽ miễn nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng. Còn trong trường hợp để nghiêm trọng thì xem xét từ chức.

Tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đang được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng. Quyết tâm và nỗ lực ấy của Đảng cần sớm được luật hóa để những quyết sách sớm được thực thi trong cuộc sống.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước