Phát biểu tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, dẫn chứng những thành quả không thể phủ nhận của 30 năm đổi mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, làm thay đổi căn bản cuộc sống của người dân và đưa đất nước phát triển. Từ năm 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 95% xuống còn dưới 5%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, trên thực tế, Việt Nam vẫn là một nước nghèo. Do vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế là yêu cầu hết sức cấp bách.
Về đổi mới thể chế kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tới 3 trụ cột: thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững môi trường; thực hiện công bằng và hội nhập xã hội (bình đẳng cho mọi người); nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đồng thời nhấn mạnh việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước, coi “sức khỏe” của doanh nghiệp trong nước chính là “sức khỏe” nền kinh tế.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ ra rằng, năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém trong phát triển khu vực tư nhân là do quản lý Nhà nước thiếu hiệu quả, điều kiện lịch sử Việt Nam, những thiết chế công bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún, thiếu sự giám sát của người dân. Mặc dù “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” là những điều được khẳng định rõ trong Hiến pháp nhưng trên thực tế vẫn còn khoảng cách giữa sự tham gia của công dân trong quản trị Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.