Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chủ trì phiên họp.
Đây là Phiên họp thứ hai được tổ chức cho ý kiến về hồ sơ tài liệu dự thảo Đề án, gồm: Dự thảo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV; Dự thảo Tờ trình Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV; Dự thảo Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV; Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV.
Góp ý vào đề án, một số đại biểu đề nghị để đổi mới truyền thông về hoạt đông của Quốc hội, cần phải coi trọng hơn nữa việc phân loại đối tượng tiếp nhận thông tin theo nhóm tuổi, thế hệ, từ đó tổ chức các nội dung truyền thông phù hợp; các cơ quan cũng cần chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ phóng viên đưa tin về hoạt động của Quốc hội.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội khóa XV đánh giá cao trách nhiệm của Ban chỉ đạo, Tổ biên soạn làm việc tích cực khẩn trương để hoàn thiện các công việc. Các ý kiến phát biểu cơ bản thống nhất nhận định Đề án bước đầu đã có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, bảo đảm trình tự, thủ tục các bước; đánh giá khá cơ bản, toàn diện về kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong tổ chức thực hiện công tác truyền thông của Quốc hội; thống nhất đề xuất Đảng đoàn Quốc hội đổi tên là Đề án Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông về hoạt động của Quốc hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế như dự thảo tờ trình, đề án nêu. Đó là chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin từ phía công chúng, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, sở trường, thế mạnh của Quốc hội, đặc biệt dưới áp lực và xu hướng mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0, các nền tảng số, mạng xã hội, quyền tiếp cận của người dân ...
Nhấn mạnh công tác truyền thông của Quốc hội có tính đặc thù riêng đó là sự tương tác 2 chiều, phúc đáp, phản hồi, trả lời, giải quyết các vấn đề, nội dung cử tri, nhân dân nêu, phản ánh, do vậy sau phiên họp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Ban Chỉ đạo bám sát Kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ khẩn trương hoàn thiện xây dựng Đề án; tiếp tục tổ chức một số cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề sâu, tranh thủ các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan truyền thông để hoàn thiện đề án và đưa ra được các giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông về Quốc hội trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!