Đưa thương mại Việt Nam - Thái Lan đạt 25-30 tỷ USD vào năm 2025

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/11/2022 19:42 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam – Thái Lan. Ảnh: TXVN

VTV.vn - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, chiều 17/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam - Thái Lan.

Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh doanh nhân chính là những người thực hiện thành công đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mốc 25-30 tỷ USD vào năm 2025.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định trải qua gần nửa thế kỷ hợp tác, Việt Nam và Thái Lan đã trở thành những đối tác quan trọng và tin cậy của nhau. Cách đây gần 10 năm, Thái Lan là một trong những đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam ở Đông Nam Á. Thái Lan hiện đứng thứ 9 trong 139 quốc gia và vùng lãnh thổ và về đầu tư vào Việt Nam với số vốn trên 13 tỷ USD. Đây còn là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt gần 20 tỷ USD. 

Từ nền tảng này, Chủ tịch nước và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã nhất trí những hướng đi mới trong Tuyên bố chung nhằm tiếp tục làm sâu rộng, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước thông qua Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường từ nay đến 2027, đồng thời nhất trí thúc đẩy chiến lược "Ba kết nối". Chủ tịch nước nhấn mạnh, để thực hiện thành công Tuyên bố chung thì các doanh nghiệp được coi như những người hùng trong lĩnh vực kinh tế sẽ là một trong những trụ cột rất quan trọng.

Đưa thương mại Việt Nam - Thái Lan đạt 25-30 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Tài chính Thái Lan chứng kiến lễ công bố Kết nối thanh toán bán lẻ ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR code) giữa Việt Nam và Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Để hiện thực hóa các mục tiêu về thương mại và du lịch giữa hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Tài chính Thái Lan đã chứng kiến lễ ra mắt dịch vụ thanh toán bằng mã QR của hai ngân hàng Trung ương. Từ nay, khách du lịch Việt Nam có thể quét mã QR để thanh toán bằng tiền đồng tại Thái Lan, ngược lại du khách Thái Lan có thể quét mã QR để thanh toán bằng đồng Baht tại Việt Nam. 

Nhân dịp này, Liên đoàn công nghiệp Thái Lan và Công ty Invest Global của Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về xúc tiến thương mại và đầu tư giữa hai nước, góp phần thực hiện được mục tiêu của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Đưa thương mại Việt Nam - Thái Lan đạt 25-30 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chiều 17/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã cắt băng khai mạc "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan" do Bộ Công Thương và Tập Đoàn Central Retail tại Việt Nam đồng tổ chức tại Central world - một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới tại Bangkok. Trong 4 lần Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan được tổ chức, Chủ tịch nước đã tham dự 2 lần, qua đó, góp phần để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu vào hệ thống phân phối của Tập đoàn Central Group. 

Với 45 gian hàng, trưng bày giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa trong đó có nhiều mặt hàng nông sản vùng cao và hải sản miền biển ở hai đầu đất nước là Lào Cai và Cà Mau. Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công bằng chính thương hiệu của mình vào hệ thống phân phối của tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan.

* Cũng trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Thái Lan đang có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam.

Đưa thương mại Việt Nam - Thái Lan đạt 25-30 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SCG Roongrote Rangsiyopash. Ảnh: TTXVN

Tiếp ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG - Tập đoàn đang tham gia đầu tư Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch nước đánh giá cao Tập đoàn trong nỗ lực theo đuổi, quyết tâm triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là Dự án Long Sơn - dự án được coi là trọng điểm trong hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan. 

Chủ tịch Tập đoàn SCG cho biết, tập đoàn đang tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan tại Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quy trình cung cấp sản phẩm ra thị trường để đảm bảo tiến độ của dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.

Tiếp ông Vikrom Kromadit, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Amata - doanh nghiệp đang triển khai một số dự án tỷ đô tại Việt Nam, Chủ tịch nước đề nghị Amata mở rộng hơn nữa hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn bảo vệ quyền lợi và song hành với nhà đầu tư trong đó có Amata. 

Ông Vikrom Kromadit, với kinh nghiệm 25 năm đầu tư vào các khu công nghiệp ở Việt Nam, tập đoàn Amata mong muốn Việt Nam hoàn thiện chính sách về đất đai, giải quyết được những khó khăn trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư.

Tiếp Chủ tịch Tập đoàn CP, ông Dhanim Chearnont, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Tập đoàn mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất tại Việt Nam, nhất là ngành chăn nuôi, đặc biệt là phải đẩy mạnh chế biến các sản phẩm thực phẩm từ gia súc, gia cầm. Qua đó, đưa các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vào các thị trường lớn trên thế giới. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh an toàn để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước