Giáo dục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII: Đảm bảo quyền tự chủ cho giáo viên

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/12/2020 19:36 GMT+7

VTV.vn - 5 năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới quan trọng trong đó đảm bảo quyền tự chủ chuyên môn của giáo viên là một trong những nét nổi bật.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo là một trong ba đột phá chiến lược. Trong vòng 5 năm qua, với sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, toàn ngành giáo dục đã có những chuyển động quan trọng để triển khai công tác đổi mới.

Đặc biệt, xác định đổi mới công tác quản lý giáo viên là một trong những khâu then chốt để đổi mới giáo dục thành công, trong 5 năm qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với các địa phương đã tích cực hoàn thiện hệ thống quản lý giáo viên, đồng thời từng bước điều chỉnh các chính sách nhằm giúp đội ngũ thầy cô giáo giảm bớt những áp lực không đáng có trong công việc, dành thời gian tập trung phát triển năng lực chuyên môn.

Giáo dục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII: Đảm bảo quyền tự chủ cho giáo viên - Ảnh 1.

Lần đầu tiên, ngành giáo dục có hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tập hợp thông tin của hơn 1,4 triệu cán bộ, giáo viên, hơn 22 triệu học sinh. Các giáo viên và học sinh đều được gắn mã định danh. Dữ liệu được các trường nhập vào hệ thống, sau đó, kết nối với hệ thống dữ liệu của Sở và hòa vào hệ thống dữ liệu giáo dục quốc gia. Việc xây dựng hệ thống dữ liệu chung là bước tiến quan trọng giúp ngành giáo dục thực hiện nhiều ý tưởng mới trong quản lý, điều hành và hoạch định các chính sách.

5 năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã cơ bản hoàn tất hệ thống chế độ chính sách, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cán bộ, giáo viên, phục vụ cho công tác tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng, đào tạo nhà giáo giúp quản lý đội ngũ giáo viên sát sao hơn, hoạch định các chính sách hỗ trợ giáo viên phù hợp với thực tiễn

Để giáo viên thực sự phát triển tốt chuyên môn, nghiệp vụ, điều quan trọng là phải tạo ra được môi trường làm việc mà ở đó giáo viên được tôn trọng, được dám nghĩ, dám làm, dám bước qua những lối mòn sẵn có. Đây là thách thức lớn khi cách quản lý giáo dục từ nhiều chục năm nay đã quen kiểu mệnh lệnh hành chính, thậm chí là áp đặt giáo viên về chuyên môn.

Giáo dục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII: Đảm bảo quyền tự chủ cho giáo viên - Ảnh 2.

Để thay đổi điều này, Bộ GD&ĐT đã tăng quyền tự chủ cho các nhà trường. Các hiệu trưởng không chỉ cần có tư duy quản lý mà còn cần kỹ năng quản trị, xây dựng văn hóa nhà trường trên cơ sở đảm bảo quyền tự chủ chuyên môn của giáo viên.

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các thầy cô là hướng đi mới của ngành giáo dục. Trong quy định về chuẩn hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phổ thông được ban hành năm 2018, việc đổi mới quản trị nhà trường đã trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực người đứng đầu các nhà trường

Ngành giáo dục đang tiếp tục kiên trì khắc phục nạn thành tích, đi vào dạy thật học thật, một công việc mà các chuyên gia giáo dục đánh giá là khó khăn nhưng cũng vì vậy lại càng phải kiên trì, bền bỉ và quyết liệt. Một số cuộc thi giáo viên có tính hình thức, không còn phù hợp đã được loại bỏ. Cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa, để đánh giá người dạy dựa trên chất lượng thật, hiệu quả thật.

Bộ GD&ĐT đang tiếp tục làm việc với các Bộ ngành liên quan để hoàn thiện các chính sách cho giáo viên như phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đề xuất mức lương mới cho đội ngũ giáo viên, thống nhất với Bộ Nội vụ bỏ quy định phải thi lấy chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học cho giáo viên. Triển khai nhiều giải pháp khác để tạo điều kiện cho giáo viên phát triển, từ đó, làm động lực thúc đẩy giáo dục tiếp tục đổi mới trong những năm tới.

5 năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thì công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta cũng đã có những thành quả nhất định. Đây cũng là nền tảng quan trọng cho tương lai bởi giáo dục và đào tạo luôn được coi là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển.

Xoá chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để 'cởi trói' cho giáo viên Xoá chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để "cởi trói" cho giáo viên

VTV.vn - Việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được xem là tin vui dành cho đội ngũ giáo viên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước