Giếng nước này đã làm thay đổi cuộc sống của cả xóm Quảng Khánh, xã Quảng An từ những năm 1960. Trong thời gian khó khăn đó, xóm đã từng là ổ dịch đau mắt hột vì thiếu nước sạch sinh hoạt.
Sau khi về thăm một lớp mẫu giáo trong xóm, Bác Hồ đã dành tiền lương của mình để xây chiếc giếng. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cô trò lớp mẫu giáo năm xưa được gặp Bác vẫn thường xuyên thăm lại nơi này.
"Khi Bác Hồ chia kẹo cho tôi, thấy tôi bị đau mắt, Bác mới hỏi ăn giếng gì mà như này? Tôi trả lời chúng con ăn nước giếng đất và nước hồ. Bác nói thế là không được. Chính tay Bác đã bỏ tiền lương của mình để xây cho người dân Quảng Khánh một giếng nước. Dân Quảng Khánh chúng tôi rất là biết ơn Bác, nhớ ơn Bác suốt cuộc đời" - bà Đỗ Thị Phúc, xã Quảng An nhớ lại.
"Tình thương lòng Bác chở che
Giếng sâu trong vắt bốn bề khơi lên.
Bác cho con gái mắt huyền,
Cụ già mắt sáng, trẻ em mắt tròn….."
Đó là những câu thơ trong bài thơ Giếng nước Bác Hồ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - tác giả của bài thơ Hương Thầm đã gắn liền với một thế hệ người Việt. Nữ thi sĩ thuở nhỏ cũng sống ở đây, chứng kiến cuộc sống người dân ở đây thay đổi từ khi có giếng nước. Lớn lao hơn cả một giếng nước đó là tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của Người cha già dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!