Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong phân cấp, ủy quyền. Việc phân cấp được thực hiện ở nhiều lĩnh vực liên quan đến các vấn đề thiết thực của cuộc sống như đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trường học, đầu tư xây dựng chợ, cấp điện chiếu sáng ngõ ngách, quản lý tượng đài, di tích... Đến nay, thành phố đã ủy quyền hơn 500 thủ tục hành chính. Những kết quả đạt được có thể đo lường bằng sự hài lòng của người dân thành phố.
Làm quản lý thư viện và tài liệu học tập của một trường quốc tế có cơ sở ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, chị Đinh Thị Ngọc Hiền vẫn thường xuyên nhận tài liệu giảng dạy hay các bài thi từ Mỹ gửi về do đó, chị phải đi làm thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm. Từ nửa năm nay, việc thực hiện các thủ tục này đã nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều.
''Trước đây giấy phép được cấp bởi Sở Thông tin và truyền thông của Hà Nội. Từ cuối năm 2022, Sở đã ủy quyền cho huyện nên các thủ tục, đi lại nhận hồ sơ nhanh chóng hơn'', chị Hiền cho hay.
Việc ủy quyền còn được thực hiện tới từng phòng chuyên môn, các xã, thị trấn. Trong lĩnh vực tư pháp, 130 thủ tục được Chủ tịch huyện Hoài Đức ủy quyền lại cho Trưởng phòng Tư pháp. 100% các thủ tục này được giải quyết trước thời hạn.
Cùng với việc phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính, Hà Nội cũng quyết liệt thực hiện phân cấp trong quản lý Nhà nước về hạ tầng, kinh tế - xã hội. Khi quyết định có hiệu lực, quận Hoàn Kiếm đã triển khai Dự án chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật phố Chương Dương Độ. Giai đoạn 1 của dự án hoàn thành, con phố dài hơn 200m được mở rộng thêm 6m chiều rộng chỉ mất 7 tháng để hoàn thành.
Một vườn hoa đã xuống cấp, hệ thống đèn chiếu sáng cần duy tu, sửa chữa hay đầu tư, chỉnh trang lại trường học từ cấp mẫu giáo đến trung học phổ thông giờ đều do từng quận, huyện quyết định thay vì phải xin ý kiến từ lãnh đạo thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!