Tham dự kỳ họp có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; lãnh đạo đại diện các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH thành phố…
Kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố Hà Nội là kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025; xem xét, ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để kịp thời cụ thể hoá Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều nhiệm vụ rất quan trọng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp
Kỳ họp này dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày để xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 Nghị quyết.
Theo đó, HĐND Thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, đầu tư công năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố nghiên cứu kỹ các báo cáo, tài liệu để phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế, bất cập, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, khả thi để tháo gỡ các ách tắc, điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và giai đoạn tiếp theo để xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, cùng đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Về triển khai thi hành Luật Thủ đô, tại kỳ họp này, HĐND Thành phố tiếp tục xem xét 6 nội dung quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về hoạt động của Khu công nghệ cao Hoà Lạc; quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm; quy định điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Thành phố để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường …
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Đây là nhóm chính sách mới, quan trọng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo các Ban của HĐND Thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chuẩn bị nội dung và triển khai các bước thẩm tra đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để HĐND Thành phố thảo luận và quyết định, bảo đảm hiệu lực thi hành cùng với Luật Thủ đô từ ngày 1/1/2025".
Bên cạnh đó, cũng tại kỳ họp, HĐND Thành phố Hà Nội xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, các cơ chế, chính sách để kịp thời đảm bảo công tác điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của Thành phố, trong đó nhiều nội dung quan trọng như: Danh mục thu hồi đất, tổng biên chế hành chính sự nghiệp; thành lập thôn, tổ dân phố; giá dịch vụ khám chữa bệnh, phí thăm quan; thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công; các nội dung, mức chi trong các lĩnh vực công nghiệp, đối ngoại, tư pháp, giáo dục, đào tạo; hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công; mức hỗ trợ cho lực lượng thuộc Công an Thành phố…
Về hoạt động giám sát, HĐND Thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự Thành phố theo quy định của Luật. HĐND Thành phố xem xét báo cáo, thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về: việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri năm 2024; Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND Thành phố năm 2025 về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán trên địa bàn thành phố Hà Nội.
HĐND Thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND Thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn.
Thường trực HĐND Thành phố dự kiến 2 nhóm vấn đề:
- Tái chất vấn về việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND Thành phố đã đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả.
- Chất vấn kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng, nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Thành phố.
Đây là những nội dung quan trọng và thiết thực, đang được Thành phố tập trung chỉ đạo, được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND Thành phố. Đây cũng là hoạt động giám sát nhằm tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả giám sát theo tinh thần chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ và đồng chí Bí thư Thành uỷ.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các đại biểu HĐND Thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND theo quy định của Luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, góp phần vào sự thành công của kỳ họp; đồng thời tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!