Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13/11/2017. Ảnh: TTXVN
Ngày 12/12, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Tham gia Đoàn có: Giáo sư Bành Lệ Viên, Phu nhân đồng chí Tập Cận Bình; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Thái Kỳ, Chánh Văn phòng Trung ương; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu; Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương Giang Kim Quyền; Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trình San Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Lưu Ninh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba; bà Tần Tinh, Phu nhân Đại sứ Hùng Ba; Cục trưởng Cục Hợp tác phát triển Quốc tế La Chiếu Huy; Thiếu tướng Lý Bân, Chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác Quân sự quốc tế Trung ương; Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nông Dung.
Đây là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc, khẳng định mong muốn và quyết tâm của hai nước đưa quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc lên một tầm cao mới, tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
15 năm qua, kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định. Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì tiếp xúc mật thiết. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm diễn ra ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa mới bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được lãnh đạo Trung Quốc mời thăm và tiếp đón chính thức ngay sau Đại hội. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử và thành công tốt đẹp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 30/10-01/11/2022 - Ảnh: TTXVN
Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết Quý Mão 2023; Lãnh đạo chủ chốt trao đổi điện mừng nhân kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1), kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9), 74 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10)...
Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước được tích cực triển khai. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc (17-20/10). Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc (25-28/6); dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại Quảng Tây (16-19/9)…
Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Khi tình hình được khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19, cơ chế gặp gỡ người đứng đầu Bộ Chính trị hai Đảng được khôi phục trở lại. Dự kiến sang năm 2024, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lý luận và nối lại những cơ chế trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Các cấp, ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam duy trì xu thế tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 180 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của ta đạt khoảng 58 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 120 tỷ USD.
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 180 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN
Tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Giao lưu nhân dân hai nước duy trì xu thế khôi phục nhanh chóng sau đại dịch COVID-19. Đến nay, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. Trong 10 tháng năm nay, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc. Song song đó, sự phối hợp trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc trong các công việc chung của khu vực và quốc tế không ngừng được tăng cường.
Chuyến thăm sẽ mở ra triển vọng mới cho hợp tác ở các lĩnh vực
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, nguyên Công sứ - Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nhận định, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển thuận lợi. Sau đại dịch COVID-19 các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn được khôi phục, mở đầu là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022).
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, mang tính lịch sử, mở ra giai đoạn mới cho quan hệ hai nước và một số vấn đề khó khăn giữa hai nước được tháo gỡ. Sau chuyến thăm đó, nhiều lãnh đạo cấp cao, bộ, ngành, địa phương của hai nước đã tiếp xúc, qua lại với nhau.
"Trong một khoảng thời gian ngắn, sự giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều như vậy là hiếm có. Bởi hai bên đã nhận thức được ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận thức được quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi nhất", ông Nguyễn Vinh Quang nhận định và cho biết thêm "Không chỉ chính trị, ngoại giao mà cả kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân… cũng được tăng cường, thúc đẩy. Và thật trùng hợp khi năm 2023 là năm hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023). Nhìn lại có thể thấy quan hệ hai nước phát triển rất đúng hướng và khuôn khổ mà lãnh đạo cấp cao hai nước xác lập cách đây 15 năm là rất chính xác".
Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, đây là lần đầu tiên có một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam đến 3 lần.
Trao đổi với báo chí, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhấn mạnh, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ đặc biệt, rất hiếm thấy trên thế giới. Hai nước đều là hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, luôn sát cánh cùng nhau chiến đấu, ủng hộ lẫn nhau, viết nên mối tình hữu nghị rất chặt chẽ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông, ngày 2/11/1960 tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 2 - 4/11/1960. Ảnh: TTXVN
Về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhấn mạnh, chuyến thăm lần này là cơ hội quan trọng để lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng tăng cường trao đổi chiến lược, trên cơ sở hai bên đánh dấu 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thì có thể xác định định hình mới quan hệ hai nước, xác định phương hướng mới cho sự phát triển quan hệ hai nước, mở ra triển vọng mới cho hợp tác ở các lĩnh vực, tiếp thêm động lực mới cho sự phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước.
Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về một loạt vấn đề quan trọng, như làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế thương mại, giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác ở các cơ chế đa phương.
Dự kiến hai bên sẽ ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực như hợp tác kênh Đảng, an ninh quốc phòng, hợp tác giữa các cơ quan và địa phương liên quan đến tư pháp, truyền thông, kết nối phát triển, kinh tế thương mại và đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển...
Đại sứ Trung Quốc đánh giá chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ góp phần quan trọng đối với giữ vững hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như thế giới và chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Ông Hùng Ba nhấn mạnh, mối tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông xây dựng và vun đắp là tài sản chung quý báu của hai nước chúng ta. Mối quan hệ hữu nghị nồng thắm giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước. Hai bên đều rất mong chờ chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam lần này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!