Quang cảnh phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh minh hoạ
Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra tại Phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.
Tại phiên họp này, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về: Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Nội dung quan trọng khác là xem xét đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân.
Liên quan vấn đề kinh tế- xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 2).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Phiên họp thứ 6 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh minh hoạ
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội; Đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Thi đua đến đâu khen thưởng đến đó
Trong các nội dung trên, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2.
Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao dự thảo luật có nhiều điểm mới, trong đó có 3 điểm mới nổi lên là: cố gắng khắc phục bệnh thành tích trong thi đua, hướng về cơ sở và phân cấp. Tuy nhiên, điều mà đáng quan tâm hiện nay là từ khi xây dựng, phát động, triển khai, tổ chức, triển khai vẫn còn đối phó, hình thức.Do đó, yêu cầu đặt ra cần phải bám vào phong trào thi đua. Kết quả của thi đua đến đâu thì khen thưởng đến đó.
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng tính bao phủ trong khen thưởng với các đối tượng của xã hội, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp tư nhân, công nhân tiêu biểu, xuất sắc. Việc này giúp các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội có cơ hội được khen thưởng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!