Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN
Theo đó, sáng ngày 06/11/2022, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Quốc gia) đã chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban chỉ đạo Quốc gia trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch. Sau khi nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo, ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành, các đại biểu tham dự cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia thống nhất chỉ đạo:
Dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát trên phạm vi cả nước tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đạt được kết quả này là do Trung ương, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng hướng; các biện pháp phòng, chống dịch được tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả.
Theo đánh giá, nhận định của quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại một số địa phương, xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ…
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt các quan điểm: Tập trung kiểm soát dịch bệnh, không để dịch chồng dịch; Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với tình hình dịch bệnh; Nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng chống dịch ở các cấp; tăng cường hệ thống giám sát, nâng cao năng lực điều trị, nhất là thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine.
Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới
Về đánh giá thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương: (1) Hoàn thiện báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm theo các kết luận, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội trong tháng 12/2022; (2) Có kế hoạch, lộ trình cụ thể tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", kết hợp với đánh giá 3 năm phòng, chống dịch để đúc rút các bài học, kinh nghiệm, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới; báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia kết quả tổng kết tại Phiên họp thứ 19.
Phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung trên.
Về tiêm vaccine phòng COVID-19: Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, hướng dẫn cụ thể tiêm vaccine tại các địa phương; bảo đảm cung ứng, phân bổ đầy đủ, kịp thời vaccine phòng COVID-19 theo nhu cầu của địa phương; có kế hoạch cụ thể, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về mua vaccine. Xây dựng Kế hoạch đánh giá miễn dịch cộng đồng, báo cáo Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia trong tháng 01 năm 2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; triển khai hiệu quả công tác vận động tiêm chủng đối với phụ huynh học sinh; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm hiệu quả, có lộ trình theo dõi, đánh giá và báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia tại các cuộc họp thường kỳ hàng tháng.
Về bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch COVID-19: Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong phòng, chống dịch COVID-19. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nhanh các vướng mắc trong các quy định hiện hành, kể cả chuẩn bị để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung các luật liên quan.
Phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, phối hợp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái để chỉ đạo triển khai thực hiện.
Về công tác truyền thông: Các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời, chính xác, khách quan tình hình dịch, kết quả phòng, chống dịch; tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông, nhất là về truyền thông chính sách; không để xảy ra khủng hoảng truyền thông. Tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc tiêm vaccine, trong đó tập trung thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa nhiễm bệnh, diễn biến nặng, tử vong. Thông báo, công khai tiến độ tiêm vaccine trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân theo dõi, giám sát; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động tham gia các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn, địa phương chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, số liệu cho các cơ quan báo chí, truyền thông để việc truyền thông bảo đảm chính xác, thống nhất, hiệu quả. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục chỉ đạo, định hướng; Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông triển khai công tác thông tin truyền thông trên cơ sở khoa học, thực tiễn, thống nhất theo định hướng chung; tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả của hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở.
Bộ Y tế: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch; đánh giá miễn dịch cộng đồng trong tháng 01 năm 2023; Tăng cường triển khai phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như: Sốt xuất huyết, Tay chân miệng, Đậu mùa khỉ...; Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, nhất là các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia; chủ động điều phối không để thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng cục bộ ở một số địa phương như đã xảy ra thời gian qua; Chú trọng phát triển công nghiệp dược trong nước; (5) Khẩn trương rà soát, đề xuất kế hoạch sử dụng số kinh phí chưa phân bổ từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, xử lý các vướng mắc trong quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về đấu thầu, cơ chế khuyến khích đầu tư nhất là thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp dược trong nước.
Bộ Ngoại giao tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ngoại giao vaccine và công tác đối ngoại phục vụ hoạt động phòng, chống dịch. Tổ chức sơ kết công tác ngoại giao vaccine; tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Đề nghị Ban Dân vận Trung ương tiếp tục nắm bắt tình hình Nhân dân và công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố; vận động Nhân dân tiêm vaccine để phòng, chống dịch, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em, an toàn, hiệu quả cao theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để kịp thời xem xét, giải quyết.
Thủ trưởng các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương: Tiếp tục rà soát, đánh giá, giải quyết kịp thời, dứt điểm đối với thuốc, vật tư, trang thiết y tế đã mua cho phòng, chống dịch COVID-19 còn tồn đọng, chưa sử dụng hết; Đẩy mạnh hơn nữa kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Chú trọng theo dõi, bám sát, nghiên cứu thực tiễn để tổng kết kinh nghiệm, đề ra chính sách nhanh, phản ứng chính sách kịp thời theo tình hình thực tế.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp tiếp tục hoạt động nghiêm túc, theo đúng Quy chế làm việc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!