Toàn cảnh phiên họp.
Sáng 7/12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã khai mạc kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, để xem xét về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021; quyết định phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu - chi ngân sách năm 2022 của thành phố; xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố.
Phiên khai mạc được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Dự kỳ họp, về phía Trung ương có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành trung ương.
Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thường trực HĐND, UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố.
Kỳ họp xem xét nhiều nội dung quan trọng
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, những sự kiện quan trọng đó diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Bằng bản lĩnh, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thành công rất tốt đẹp. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn, hoạt động một cách chủ động, hiệu quả. Đồng thời, thành phố tập trung triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025.
Với sự quyết tâm, cố gắng, nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", thành phố kiểm soát tốt dịch Covid-19, chuyển từ trạng thái giãn cách, phong tỏa, cách ly theo khu vực sang thích ứng an toàn, linh hoạt. Thành phố đã chăm lo chu đáo công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống của nhân dân, với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau", vừa đầu tư, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng GRDP dự kiến đạt 2,35-3%, thu ngân sách ước đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đạt 101,5% dự toán HĐND thành phố giao. Dù mức tăng trưởng của thành phố không đạt chỉ tiêu, nhưng đó là sự cố gắng, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; quản lý và phát triển đô thị có những chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Các hoạt động văn hóa, xã hội được duy trì phù hợp với điều kiện diễn biến dịch Covid-19. An sinh xã hội được quan tâm, chăm lo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn được tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn.
Kỳ họp thứ ba HĐND thành phố là kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 để xem xét nhiều nội dung quan trọng.
Thứ nhất, HĐND thành phố sẽ đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, thu - chi ngân sách, công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Thứ hai, xem xét, thảo luận và thông qua 22 báo cáo, 8 nghị quyết thường kỳ và 12 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng như: Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; hoàn thiện kế hoạch đầu tư công 5 năm và kế hoạch năm 2022; các nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố; một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; quy định mức tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo Luật Thủ đô; chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2025…
Thứ ba, HĐND thành phố thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, các thành viên UBND thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan về 2 nhóm vấn đề: Công tác phòng, chống dịch; việc triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Đây là những nội dung rất quan trọng và thiết thực, đang được thành phố tập trung chỉ đạo, được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm và được nhiều đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND đăng ký, đề xuất.
"Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, để thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, góp phần vào sự thành công của kỳ họp. Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026", đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch
Thay mặt UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải trình bày báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2022 của thành phố Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, hưởng ứng Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành trung ương, và sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị của thành phố, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội đã chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu trên hết, trước hết là sức khỏe, an toàn của nhân dân, luôn duy trì, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, trong đó, tập trung triển khai 3 nhóm nội dung trọng tâm.
Đó là thực hiện truy vết, xét nghiệm thần tốc, xử lý ổ dịch trên địa bàn thành phố nhằm sàng lọc F0 (đợt cao điểm nhất là từ ngày 8 đến 15-9 đã xét nghiệm gần 4,2 triệu mẫu) với việc huy động toàn bộ lực lượng y tế trong và ngoài công lập của Thủ đô, huy động sinh viên các trường cao đẳng, đại học cùng lực lượng hỗ trợ của 12 tỉnh phía Bắc.
Cùng với đó là triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng trên địa bàn thành phố với quy mô lớn nhất từ trước tới nay (bình quân mỗi ngày trong chiến dịch đã tiêm được 420.000-550.000 mũi, ngày cao điểm nhất đã tiêm trên 600.000 mũi). Đến nay, đã có gần 6,2 triệu người (tương ứng 94,2% người dân từ 18 tuổi trở lên) được tiêm mũi 1 (trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 50 tuổi là 87,8%), trên 5,5 triệu người (tương ứng 84,6% người dân từ 18 tuổi trở lên) được tiêm mũi 2 (trong đó tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người trên 50 tuổi là 82,3%).
Tiếp đó là công tác phòng, chống dịch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, với phương châm người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Thành phố đã thành lập 4.573 tổ Covid-19 cộng đồng với 29.540 nhóm Covid-19 cộng đồng tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Thành phố đã xây dựng phương án điều trị tại các bệnh viện và cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng quy mô 50.000 giường; phê duyệt phương án đáp ứng ô xy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh.
"Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sự ủng hộ tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề để thành phố triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong năm 2021 và các năm tiếp theo", đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Phấn đấu năm 2022 GRDP tăng 7-7,5%
Theo đồng chí Hà Minh Hải, đến nay, kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý III. Dự kiến GRDP năm 2021 của thành phố tăng khoảng 2,35-3%. Theo cập nhật mới nhất từ Tổng Cục thống kê, GRDP trong 6 tháng đầu năm 2021 của thành phố đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý III tăng trưởng âm 6,89%), quý IV tăng 6,69% và GRDP cả năm 2021 của thành phố là 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9-2,4%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán Trung ương giao và các cấp, các ngành của thành phố sẽ nỗ lực, cố gắng để phấn đấu hoàn thành mức cao nhất chỉ tiêu được giao (theo cập nhật mới nhất của các ngành đến thời điểm hiện tại, dự kiến thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đạt 101,5% so với dự toán HĐND thành phố giao và tăng 13.193 tỷ đồng so với số đã báo cáo HĐND thành phố).
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", UBND thành phố đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022 (với 5 nhóm chỉ tiêu kinh tế tổng hợp; 13 nhóm chỉ tiêu văn hóa xã hội và 4 nhóm chỉ tiêu về đô thị, nông thôn, môi trường).
Cụ thể, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, GRDP tăng 7-7,5%, GRDP/người khoảng 139-141 triệu đồng; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 10%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%...
Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong bối cảnh bùng phát và lây lan của dịch Covid-19, tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống, sức khỏe của nhân dân, song nhờ sự quan tâm, theo sát, chỉ đạo thường xuyên của Trung ương, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương bạn, cùng với đó là tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô, thành phố Hà Nội đã từng bước thích ứng với diễn biến dịch bệnh, chuyển từ trạng thái giãn cách, phong tỏa, cách ly theo khu vực sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng với kết quả khả quan.
Trong đó, thành phố đã chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng khác bảo đảm an toàn tuyệt đối trên mọi phương diện.
Chủ động, kịp thời, kiên định, kiên trì và bình tĩnh trong mọi tình huống để có các chủ trương, giải pháp trúng, đúng với tinh thần quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Trung ương, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh của thành phố.
Thành phố vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GRDP của thành phố cả năm ước đạt khoảng 2,35-3%, mặc dù không đạt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7,5%), nhưng vẫn duy trì ổn định; cân đối thu - chi ngân sách vẫn được bảo đảm.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, kinh tế Thủ đô mặc dù có tăng trưởng, nhưng thấp hơn mục tiêu đề ra; công tác tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của thành phố hiệu quả chưa cao. Một số địa phương, đơn vị trong chỉ đạo phát triển kinh tế còn thiếu quyết liệt, nhất là trong việc cụ thể hóa các đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, thu hút đầu tư còn chậm; giải quyết những vướng mắc trong triển khai các dự án thu hút đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng còn lúng túng, thiếu quyết liệt.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị, các đại biểu HĐND thành phố phát huy cao độ tinh thần dân chủ, khách quan, trách nhiệm trước cử tri để thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình, những kết quả tích cực đã đạt được và những hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ khác trong năm 2021; từ đó chỉ ra các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các bài học kinh nghiệm thực tiễn cần thiết cho thời gian tới. Trên cơ sở đó, quyết nghị cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tài chính - ngân sách, đầu tư công trong năm 2022.
"Đối với các nghị quyết chuyên đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách lớn, làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên năm 2022 và các năm tiếp theo của thành phố, HĐND thành phố đi sâu, làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở", đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!