Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI

PV-Thứ ba, ngày 30/08/2022 11:06 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự Đại hội. Ảnh: TTXVN.

VTV.vn - Ngày 30/8, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 - 2027 chính thức khai mạc.

Dự Đại hội có 502 đại biểu ưu tú đại diện cho hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước.

Đại hội vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ảnh: TTXVN.

Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội Trung ương và địa phương; lãnh đạo tỉnh ủy, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố là chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ các địa phương; đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, các Hội quốc gia tại Việt Nam, đại diện các đoàn ngoại giao, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo.

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, năm qua, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tiếp tục đi vào chiều sâu, tỏ rõ sức sống trong đời sống xã hội. Càng trong khó khăn, thách thức càng nhân lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia nhân ái trong cộng đồng, càng khơi dậy sự sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của các cấp Hội. Hàng chục triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp; hàng ngàn Mái ấm nhân đạo được xây dựng; hàng triệu suất quà Tết trao tận tay người nghèo; cùng hàng vạn công trình/phần việc tiếp sức, sẻ chia với cộng đồng… là minh chứng thuyết phục khẳng định rằng: ở đâu có hoạt động nhân đạo, ở đó có vai trò, sự đóng góp của Hội Chữ thập đỏ; ở đâu có người nghèo, người bị tổn thương, ở đó có sự trợ giúp kịp thời của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu tại đại hội. Ảnh: TTXVN.

Hướng về Đại hội toàn quốc lần thứ XI, đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước đã hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn", "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật", "Hành trình đỏ - kết nối dòng máu Việt " cùng hàng ngàn công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả là tiền đề cho hoạt động Hội nhiệm kỳ tới.

Với chủ đề “Xây dựng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”, Đại hội nhằm đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ Đại hội X (2017 - 2022); quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, định hướng và những giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy toàn diện công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ trong nhiệm kỳ 2022 - 2027, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: TTXVN.

Báo cáo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cho biết, nhiệm kỳ qua, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ được triển khai trong bối cảnh có nhiều thuận lợi: Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cho lĩnh vực an sinh xã hội, chăm lo đời sống của mọi người dân với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", đã tác động tích cực đến hoạt động của Hội. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục là tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp lớn nhất, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác Hội cũng gặp những khó khăn, thách thức: thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên với những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đại dịch COVID-19 từ năm 2020; quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện còn bất cập; trợ giúp nhân đạo quốc tế giảm; tổ chức bộ máy, cán bộ Hội còn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh đó, bằng những hoạt động thiết thực, các cấp Hội trong cả nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, triển khai mọi mặt công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ, trợ giúp số lượng lớn những người có hoàn cảnh khó khăn với giá trị trợ giúp năm sau cao hơn năm trước, thu hút ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo nhân dân tham gia; hệ thống tổ chức Hội được củng cố và duy trì ổn định.

Nhiệm kỳ 2017 - 2022, tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt 23.128 tỷ đồng (gấp hơn 2,36 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 10,3 lần, thiết thực trợ giúp trung bình hằng năm 18,3 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương. Các phong trào, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội được triển khai thiết thực, gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững tại địa phương, cơ sở và thích ứng trong bối cảnh COVID-19; không ít mô hình mới, hiệu quả xuất hiện, có sự lan tỏa rộng khắp. Vận động chính sách được coi trọng; công tác chỉ đạo, điều hành có đổi mới; công tác truyền thông, vận động nguồn lực, hợp tác quốc tế trong hoạt động nhân đạo có bước phát triển; việc quản lý các nguồn thu của Hội được thực hiện đúng quy định. Kết quả các mặt hoạt động của Hội đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước, lan tỏa các giá trị nhân đạo trong xã hội, được các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Vai trò của tổ chức Hội trong xã hội và trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định.

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI - Ảnh 4.

Quang cảnh đại hội. Ảnh: TTXVN.

Nhiệm kỳ 2022-2027, Đại hội hướng tới mục tiêu xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước, chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái, đóng góp tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Một số chỉ tiêu cơ bản Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ 2022 - 2027 như: 100% tỉnh, thành Hội triển khai phong trào: "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái"; Quản lý và trợ giúp ít nhất 500.000 địa chỉ nhân đạo; hỗ trợ 1 triệu trẻ em nghèo, khuyết tật trong chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật"; hỗ trợ ngư dân làm việc trên 90.600 tàu, thuyền đánh bắt cá, 1.300 hộ ngư dân có "Mái ấm nhân đạo" trong chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn"…

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề ra các định hướng lớn gồm:

Hai khâu đột phá: Vận động chính sách liên quan đến tổ chức và hoạt động Hội, chủ trì cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên xây dựng cơ chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo; Phát triển mạnh mẽ lực lượng tình nguyện viên, hình thành mạng lưới tổ, nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo.

Một phong trào lớn - "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" và Một cuộc vận động lớn - "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo".

Hai chương trình trọng điểm: Chương trình "An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" hướng đến cải thiện điều kiện lao động, an toàn và sinh kế cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại 291 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo thuộc 23/28 tỉnh, thành phố có biển; Chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật" hướng đến hỗ trợ dinh dưỡng và cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ tập trung tại 27 tỉnh, thành phố…

Hai đề án: “Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích và tổ chức hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng” và Đề án “Xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi khó khăn dựa vào cộng đồng”.

Các hoạt động bên lề Đại hội:

- Ngày 27 và 28/8/2022: các hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2022 đã diễn ra sôi động và nhiều ý nghĩa.

- Trong 2 ngày (29 và 30/8/2022) diễn ra Đại hội, các đại biểu sẽ tham dự Lễ báo công dâng Bác và vào lăng viếng Bác; Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gặp mặt 80 đại biểu tiêu biểu toàn quốc; Chủ tịch nước tiếp đoàn đại biểu quốc tế; tổ chức Triển lãm “Hệ sinh thái nhân đạo”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước