Mới đây, tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Trước đó, một loạt cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Dương cũng đã bị kỷ luật bằng nhiều hình thức, có người bị khai trừ ra khỏi Đảng, có người còn bị truy tố trước pháp luật vì những sai phạm liên quan đến công tác quản lý đất đai.
Có thể nói, tiếp theo các quyết định kỷ luật với cán bộ chủ chốt TP Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa, những quyết định kỷ luật nghiêm khắc với cán bộ sai phạm vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thêm một lần nữa khẳng định về công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, kết luận, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ: 2010 - 2015, 2015 - 2020, 2020 - 2025.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, không chỉ là người chịu trách chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Trần Văn Nam còn là người vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy và vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Đảng, Nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.
Theo dõi tình hình ở tỉnh Bình Dương, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng thuận cao với quyết định của Ban Chấp hành Trung ương mới đây về việc kỷ luật ông Trần Văn Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, quyết định kỷ luật với cán bộ sai phạm ngay trong bối cảnh cả nước vừa khởi động nhiệm kỳ mới càng khẳng định sự nghiêm minh và thái độ dứt khoát của của Đảng với những cán bộ vi phạm.
Cũng từ đây, một vấn đề được đặt ra là nếu các sai phạm được phát hiện sớm và xử lý kịp thời hơn, hậu quả có thể đã không nghiêm trọng như vậy. Đây cũng là thực tế rất cần được phân tích và rút kinh nghiệm.
Trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, nhiều cán bộ chủ chốt ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và TP Hồ Chí Minh đã bị khởi tố bởi những sai phạm "vắt" qua nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ. Quyết liệt, nhưng tính chủ động, chiến đấu trong hoạt động kiểm tra, giám sát của các cấp ủy vẫn chưa đủ mạnh để phát hiện các sai phạm từ sớm.
Để các sai phạm nhỏ không biến thành khuyết điểm lớn, phải coi trọng tự kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải tăng cường hơn nữa sự kiểm tra của cấp trên với cấp dưới và tập trung vào những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực. Có làm tốt điều này, công tác kiểm tra, giám sát mới thực sự góp phần "trị bệnh cứu người" và giữ được cán bộ.
Trước tình trạng khuyết điểm, vi phạm của cán bộ Đảng viên có nguy cơ gia tăng về số lượng, phức tạp, tinh vi và nghiêm trọng hơn về mức độ, tính chất, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bản thân đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp cần phải làm tốt hơn nữa công tác bám địa bàn, chủ động phát hiện và đấu tranh với những biểu hiện sai phạm ngay từ lúc manh nha.
Chỉ khi khuyết điểm được phát hiện từ xa, đấu tranh ngăn chặn từ sớm mới có thể hạn chế được các vụ việc sai phạm đáng tiếc, khiến cả tập thể với nhiều cán bộ chủ chốt mắc khuyết điểm nghiêm trọng và bị kỷ luật nghiêm khắc và đau đớn như ở tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh hay tỉnh Khánh Hòa trong thời gian vừa qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!