Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (Ảnh: TTXVN)
Ngay từ khi còn trẻ, đồng chí Lê Hồng Phong đã tham gia phong trào công nhân. Ảnh hưởng từ phong trào xuất dương cứu nước của chí sỹ Phan Bội Châu, năm 1923, đồng chí sang Thái Lan. Sau đó, được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu, rồi dấn thân theo con đường cứu nước của Người và được Người cử đi học tại trường đào tạo lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Tháng 3/1935, đồng chí được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất bầu vắng mặt làm Tổng Bí thư và được Đại hội 7 Quốc tế Cộng sản bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc tế Cộng sản. Hoạt động tích cực và có ảnh hưởng sâu rộng trong phong trào cách mạng ở trong và ngoài nước. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Chợ Lớn và sau đó hy sinh vào trưa ngày 6/9/1942 tại nhà tù Côn Đảo.
Để ghi nhớ công lao của nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, tỉnh Nghệ An đã đưa Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều ngôi trường, tuyến phố trang trọng ở tỉnh Nghệ An và các địa phương trong cả nước đã vinh dự được mang tên đồng chí Lê Hồng Phong, nhắc nhở mỗi người ngày ngày thêm nỗ lực học tập, lao động xứng đáng hơn với tấm gương, công lao của đồng chí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!