Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đang trình Quốc hội xem xét đã dành nội dung riêng cho TP Thủ Đức, trong đó tập trung cơ chế tổ chức bộ máy. Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ giúp TP Hồ Chí Minh phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn và tháo được "chiếc áo cơ chế" để TP Thủ Đức phát triển, có thể đóng góp đến 30% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh và 7% GDP của cả nước như kỳ vọng.
Năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có 470.000 hồ sơ liên quan đến công tác đăng ký đất đai, riêng TP Thủ Đức chiếm từ 25% đến gần 30% tổng số hồ sơ trên. TP Thủ Đức đặt mục tiêu có tỷ lệ hồ sơ đúng hạn 95% trở lên, tuy nhiên chỉ đạt 92%, đặc biệt hồ sơ đất đai, xây dựng trễ hẹn lớn.
Sau khi sáp nhập 3 quận, khối lượng công việc tại TP Thủ Đức rất nhiều, nhất là các vấn đề đô thị, do vẫn chưa thống nhất đầu mối quản lý dẫn đến tình trạng chậm trễ trong công việc. Không chỉ đề xuất được Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ủy quyền nhiều hơn, việc phân cấp, ủy quyền còn được thực hiện từ TP Thủ Đức cho các lãnh đạo cơ quan chuyên môn, ủy ban nhân dân các phường.
Một khi đã được trao quyền thì cơ chế giám sát chặt chẽ hơn, trong đó phải kể đến việc Thành phố Hồ Chí Minh còn đề xuất được lập Ban Kinh tế đô thị và tăng số lượng đại biểu chuyên trách từ 3 lên 8 người ở các ban thuộc Hội đồng nhân dân TP Thủ Đức. Thủ Đức cũng đề xuất thêm 1 Phó Chủ tịch chuyên trách lĩnh vực bồi thường dự án.
Với những đề xuất nêu trên, TP Thủ Đức - nơi chiếm 10% dân số toàn thành phố, sẽ chủ động, linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề của người dân và doanh nghiệp, từ đó tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!