Đây là lưu ý của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế và một số bộ, ngành, sở y tế địa phương, bệnh viện Trung ương để nghe báo cáo về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu về lựa chọn nhà thầu diễn ra chiều 21/2, tại Trụ sở Chính phủ.
*Không để khoảng trống pháp luật khi thực hiện đấu thầu
Nhấn mạnh việc giải quyết bằng cơ chế, chính sách pháp luật trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: "Nghị định khi ban hành phải tạo sự thống nhất về nhận thức, giải quyết ngay vướng mắc thực tiễn. Công tác lựa chọn nhà thầu trong lĩnh vực y tế được quản lý chặt chẽ, phân cấp mạnh mẽ, bảo đảm an toàn, phòng tránh tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả".
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng tiêu chí xác định tính chính thống, hợp pháp của các báo giá làm căn cứ lập giá gói thầu.
Để tháo gỡ khó khăn trong tư vấn, thẩm định đấu thầu, Phó Thủ tướng nêu rõ, cần có quy định rõ ràng để huy động, khuyến khích sự tham gia của các đơn vị, tổ chức được thành lập hợp pháp. Trường hợp không có đơn vị, tổ chức tư vấn, thẩm định tham gia, chủ đầu tư sẽ thành lập tổ tư vấn, thẩm định trong đấu thầu.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Đối với việc phân cấp đấu thầu thuốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phương thức đấu thầu tập trung là biện pháp hiệu quả, cần thiết, minh bạch, khách quan để người dân được tiếp cận thuốc mới, tốt, giá rẻ. Những loại thuốc sử dụng phổ biến, khối lượng lớn phải đưa vào danh sách đấu thầu tập trung (cấp quốc gia, địa phương), lựa chọn được các nhà sản xuất, doanh nghiệp đủ năng lực cung cấp. Các thuốc hiếm, đặc trị, chuyên khoa sẽ phân cấp tối đa cho bệnh viện.
Phó Thủ tướng cho ý kiến về quy định chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; áp giá thầu đối với các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Về điều khoản thực hiện chuyển tiếp, Phó Thủ tướng nêu rõ, không để khoảng trống pháp luật khi thực hiện hoạt động đấu thầu nói chung, trong đó có lĩnh vực y tế. Cụ thể, những gói thầu thực hiện theo các văn bản, quy định pháp luật trước đây phải rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền nếu trái với Luật Đấu thầu năm 2023 hoặc Nghị định; cho phép kéo dài thời gian thực hiện các gói thầu triển khai từ thời điểm Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
* Đề xuất phân cấp cho cơ sở y tế đấu thầu
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong quá trình xây dựng Nghị định, đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ đã xin ý kiến thành viên Chính phủ về: Quy định lập giá gói thầu; thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong quy trình chỉ định thầu rút gọn; thanh toán chi phí mua thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết đặc thù đối với hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phải đáp ứng cả yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, nhu cầu điều trị lẫn năng lực tài chính. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị trong trường hợp có từ 2 báo giá trở lên thì có thể lựa chọn mức giá cao nhất làm cơ sở lập dự toán xây dựng giá gói thầu.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, theo quy trình, Hội đồng của bệnh viện lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu chuyên môn, trước khi xây dựng giá gói thầu.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trường hợp mua sắm trang thiết bị, công nghệ sử dụng để triển khai các kỹ thuật mới chưa có ở Việt Nam, chưa có căn cứ để lập giá gói thầu vì vậy cần có cơ chế đặc thù.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện K cũng đề nghị phân cấp tối đa cho cơ sở y tế thực hiện đấu thầu mua sắm trực tiếp thuốc điều trị trường hợp đột xuất, thuốc hiếm, vật tư tiêu hao thiết yếu phù hợp năng lực, yêu cầu điều trị; bổ sung Đông dược, thuốc phóng xạ, vật tư y tế tiêu hao vào danh mục đấu thầu; mở rộng chủng loại thuốc, vật tư y tế thuộc diện đàm phán giá, đấu thầu tập trung.
Các đại biểu trao đổi, góp ý những nội dung liên quan đến quy định đánh giá hoặc xác định thông tin về chất lượng thuốc, thiết bị y tế, hóa chất, vật tư xét nghiệm; công khai thông tin và thu chi phí đăng tải thông báo mời thầu; việc áp dụng quy định trong thời gian Nghị định chưa được ban hành. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp mua sắm tập trung được hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung; các quy định về mua sắm hàng hóa, dịch vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!