Nhiều phương thức tạo nguồn cán bộ cho cơ sở
Trong những năm qua, bằng nhiều cách làm sáng tạo, đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở ở các địa bàn khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc đã được cải thiện nhiều so với trước, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế xã hội ở những nơi này.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng cán này trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, vẫn đòi hỏi các cấp ủy cần có chiến lược bài bản dài hơi hơn với công tác này.
Y Him N Du là 1 trong 3 học sinh của huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đủ điều kiện được tỉnh cử đi học Đại học. Sau 4 năm lấy bằng cử nhân ngành quản lý nhà nước và xã hội, Y Him N Du trở thành công chức xã Dak Phơi - một xã vùng sâu của huyện Lắk.
Được tỉnh cử đi học Đại học, Y Him N Du trở thành công chức xã Dak Phơi, huyện Lắk
Ở đây 80% là đồng bào tại chỗ, dân trí còn nhiều hạn chế, nên những cán bộ như Y Him là nhân tố tích cực để đưa chủ trương của Đảng các chính sách và nhà nước về với buôn làng.
Những cán bộ trẻ, tích cực làm việc như Y Him, được cấp ủy Đảng nơi đây xác định sẽ là nhân tố để tiếp tục đào tạo cả về chuyên môn lẫn nhận thức chính trị để tạo nguồn, trở thành nòng cốt của hệ thống chính trị sau này.
Ở huyện Lắk nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, việc tạo nguồn cán bộ cho các xã đã được kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức.
Có trường hợp được hỗ trợ học phí, tiền ăn và sinh hoạt phí. Có trường hợp chỉ hỗ trợ học phí trong quá trình học. Có trường hợp chỉ tạo điều kiện về thời gian để vừa học vừa làm…
Sau khi có bằng cấp cán cán bộ này còn được tiếp tục đào tạo qua thực tiễn công tác. Đây là điều kiện bắt buộc để thử thách và rèn luyện cán bộ.
Do đặc điểm địa bàn có đông đồng bào dân tộc nên đội ngũ cán bộ ở một số nơi, nhất là ở cơ sở còn yếu, hoạt động kém hiệu quả.
Trước yêu cầu cao ngày một cao về chất lượng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, thực trạng trên đòi hỏi tỉnh Đắk Lắk phải có nhiều phương thức tạo nguồn cán bộ cho cơ sở.
Nâng cao chất lượng lãnh đạo ở cơ sở, góp phẩn thay đổi địa phương
Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện tốt luân chuyển, điều động cán bộ gắn với quy hoạch và giao nhiệm vụ, đúng người, đúng việc đã nâng cao chất lượng lãnh đạo của cơ sở, góp phẩn thay đổi và phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn.
Những cán bộ từ nơi khác đến, họ không chỉ là cố gắng vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, mà quan trọng hơn nữa là phải có định hướng, có giải pháp để thay đổi cuộc sống của người dân.
Từ chỗ nhận thức ban đầu, cho rằng, đưa người nơi khác về làm cán bộ xã, là chuyện "khó hiểu", thì dần dần, cán bộ và nhân dân trong xã đã đồng thuận và ủng hộ. Họ thấy thuyết phục bởi những nỗ lực của cán bộ luân chuyển đã làm thay đổi cho địa phương.
Cán bộ cơ sở là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân
Cán bộ cơ sở là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Là những người gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Họ cũng là người trực tiếp giải quyết những yêu cầu, thắc mắc về lợi ích chính đáng của nhân dân. Quan tâm chăm lo cho đội ngũ cán bộ cơ sở cũng là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Với sự nỗ lực của các địa phương, bằng nhiều cách làm sáng tạo, đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đã được cải thiện nhiều so với trước.
Hầu hết các địa phương đội ngũ cán bộ này đều đã đạt chuẩn về chuyên môn và lý luận chính trị và đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng cán bộ cơ sở, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi cấp ủy các cấp phải quan tâm hơn và có chiến lược dài hơi hơn với công tác này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!