Trong ngày làm việc thứ 3 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục với cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành có liên quan; đã tổ chức 2 tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan tư pháp tại TP. Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh (là 2 địa phương có số lượng án lớn về người chưa thành niên) để hoàn chỉnh dự thảo Luật.
Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này. Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với TANDTC và các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Hồ sơ gửi tới các đại biểu gồm có 6 loại tài liệu, với tổng cộng hơn 300 trang.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, UBTVQH đánh giá các cơ quan đã bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị yêu cầu “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Hồ sơ dự án Luật đã quán triệt nghiêm túc Kết luận của UBTVQH; bám sát 6 nhóm chính sách lớn đã được TANDTC trình Quốc hội thông qua; thể hiện rõ tính nhân văn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 của UBTVQH
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiều đại biểu cho rằng cần quan tâm đặc biệt đến phân trại dành riêng cho NCTN trong trại giam, như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn hơn. Khi có điều kiện thì nên xây dựng trại giam riêng cho NCTN.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật (bao gồm cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự); về biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng; các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; quy định 04 loại hình phạt áp dụng với NCTN phạm tội (gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn); về mức phạt tù có thời hạn; về quy định phải tách riêng vụ án đối với NCTN phạm tội…
Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo rà soát các khái niệm, thuật ngữ, làm rõ thêm phần giải thích từ ngữ để sử dụng thống nhất trong dự thảo Luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!