Ngày 23/7, Quốc hội thảo luận, biểu quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 23/07/2021 06:16 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: VGP.

VTV.vn - Theo tờ trình, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) sẽ có 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ như khóa XIV.

Biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026

Sáng 23/7, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Trước đó, ngày 22/7, Quốc hội đã nghe tờ trình, thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ngày 23/7, Quốc hội thảo luận, biểu quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới - Ảnh 1.

Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ngày 22/7

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, đồng thời, tiếp tục kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo khóa XIV.

Thủ tướng cho biết trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tập trung thực hiện "mục tiêu kép", để đạt các mục tiêu thì trước mắt, giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV là cần thiết, phù hợp. "Chính phủ đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ như khóa XIV", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Theo tờ trình, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) sẽ có 22 cơ quan, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

18 bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Thảo luận về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia

Cũng trong sáng 23/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016 - 2021 Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Ngày 23/7, Quốc hội thảo luận, biểu quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ mới - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Các đại biểu sau đó thảo luận ở tổ về những nội dung trên.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình có mục tiêu tổng quát là: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, thị trường lao động đồng bộ, hiện đại nhằm tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho tất cả mọi người và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, giảm bất bình đẳng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.

Chương trình gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện là 90.260 tỷ đồng.

Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiệm kỳ 2016 - 2021 Lê Minh Hoan, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Chương trình gồm 11 nội dung thành phần và các đề án chương trình, dự án, nhiệm vụ thuộc Chương trình với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Cấp xã phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; Cấp tỉnh cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Cấp thôn: Phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn.

Các đại biểu sau đó thảo luận ở tổ về những nội dung trên.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giảm nghèo bền vững Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giảm nghèo bền vững

VTV.vn - Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ về xoá đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước