Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa qua, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo kiểm điểm cá nhân từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và từ thực tế quan hệ công tác, các Ủy viên Trung ương đã thể hiện rõ chính kiến của mình về mức độ tín nhiệm đối với từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo Quy định 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.
Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Tới đây, tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội cũng sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Chính vì vậy trong Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, việc lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, tự phê bình và phê bình sẽ là cơ sở để Quốc hội và cả hệ thống chính trị nghiêm túc lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96 Bộ Chính trị.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc kiểm điểm của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản,cầu thị và có tính tự phê bình sâu sắc; việc xem xét, cho ý kiến diễn ra trong không khí thẳng thắn, thân tình, trách nhiệm cao. Việc lấy phiếu tín nhiệm là một trong những nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!