Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tăng cường bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ, phát huy cao nhất đóng góp của người cao tuổi với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cuộc làm việc nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với người cao tuổi, xem xét tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong công tác hội, với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tốt hơn, phát huy vai trò của người cao tuổi cao hơn, ngày càng có nhiều đóng góp ý nghĩa với sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Được thành lập từ năm 1995, Hội Người cao tuổi Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh về tổ chức. Đến nay, Hội đã có trên 9,7 triệu hội viên. Hiện cả nước có 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, 656 nghìn người tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, hòa giải cơ sở, nhiều người cao tuổi tiếp tục tham gia quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, làm chủ các doanh nghiệp. Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Hội đã báo cáo Thủ tướng kết quả công tác và một số khó khăn, bất cập trong hoạt động của Hội. Lãnh đạo Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương cũng đã cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị và những định hướng phát triển của Hội trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thống của nhân dân ta trong suốt chiều dài lịch sử là luôn kính trọng và đề cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của người cao tuổi, đã được đúc rút qua những câu nói rất giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ mà sâu sắc như "kính già yêu trẻ", "kính lão đắc thọ", "tuổi cao gương sáng", "uống nước nhớ nguồn". Người cao tuổi đã có những đóng góp hết sức to lớn trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, mà Hội nghị Diên Hồng là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão.
Thủ tướng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người cao tuổi đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Và trong thành tựu chung ấy, có sự đóng góp tích cực của người cao tuổi. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chia sẻ với những thách thức trong hoạt động của Hội Người cao tuổi như khó khăn về nguồn lực hay nhận thức chưa cao của một số cấp uỷ chính quyền.
Về tình hình thời gian tới, Thủ tướng phân tích một số xu thế lớn, trong đó có xu thế già hóa dân số. Điều này một mặt cho thấy những thành tựu phát triển của Việt Nam khi đời sống, tuổi thọ của người dân ngày càng được nâng cao, mặt khác đòi hỏi phải có chủ trương, cơ chế, chính sách, sự chăm lo tốt hơn cho người cao tuổi, giải quyết hài hòa giữa mặt thuận và mặt không thuận của xu thế này. Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị cần quán triệt thật sâu sắc, cụ thể, triển khai thực hiện thật tốt các nội dung chính sách về người cao tuổi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp mặt đoàn đại biểu về dự Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam và Nghị quyết Đại hội.
Thủ tướng đề nghị các bộ, các ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi, nghiên cứu đầu tư về cơ chế, chính sách, nguồn lực, tổ chức các hoạt động với người cao tuổi để khai thác tối đa hiệu quả mặt mạnh và hạn chế những khó khăn bất cập liên quan đến tuổi cao. Đồng thời phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của Hội Người cao tuổi.
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các đề xuất của Hội và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp theo quy định với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tốt hơn và phát huy vai trò của người cao tuổi cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!