Theo chương trình, trong 6 ngày làm việc, Quốc hội sẽ dành 2 ngày thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Cũng theo kế hoạch, sau 2 ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh, Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi tiếp theo để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Hoạt động chất vấn được coi là điểm nhấn trong đợt họp thứ 2 này. Điều mà nhiều cử tri và đại biểu chờ đợi là giải pháp của các Bộ, ngành để giải quyết những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong gần 2 năm qua.
Bốn nhóm vấn đề Quốc hội chất vấn thuộc lĩnh vực của Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về lĩnh vực y tế, Quốc hội sẽ chất vấn công tác phòng, chống dịch bệnh; chiến lược vaccine; quản lý giá xét nghiệm, vật tư y tế; giải pháp giảm chênh lệch về chất lượng khám, chữa bệnh giữa vùng, miền. Những nội dung này cũng đang được các cử tri rất quan tâm và chờ đợi.
"Tôi rất mong muốn Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chính xác rõ ràng là ngày nào các con được tiêm vaccine và khi nào các con được đến trường. Vì hiện tại các con học trực tuyến cô giáo cũng rất vất vả, thầy cô giảng bài các con bật lên thì lại ngủ. Nếu học không có người lớn kèm cặp thì không hiệu quả" - chị Trần Thị Ngọc - cử tri quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói.
Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung chất vấn bao gồm giải pháp đảm bảo chất lượng dạy và học; đổi mới giáo dục, đào tạo; giảm tải chương trình học; phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ trả lời chất vấn về nội dung thực hiện các gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi COVID-19; công tác bảo vệ quyền trẻ em, nhất là trẻ mồ côi do đại dịch; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường lao động và chính sách thu hút lao động trở lại làm việc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được kỳ vọng sẽ đưa ra những giải pháp phục hồi phát triển kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kế hoạch và giải pháp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA.
Ở góc độ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cử tri quan tâm đến việc hỗ trợ lãi xuất để phục hồi sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!