Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, chưa xứng tầm

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 29/03/2022 21:03 GMT+7

VTV.vn - Văn hóa luôn được coi là mục tiêu, động lực phát triển của đất nước nhưng thực tế, khoảng cách từ quan điểm tới triển khai vẫn còn khá lớn.

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", từ đó đặt ra yêu cầu phải tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Nhìn lại những năm qua, có thể thấy thực trạng nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, chưa xứng tầm, chưa đồng bộ và hiệu quả.

Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế do Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý được đầu tư lớn, trưng bày chỉn chu, thu hút hàng trăm nghìn du khách mỗi năm. Cách Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế không xa, Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế lại có số phận khác hẳn: Mối mọt, cũ nát sau 40 năm xây dựng, hiện vật phần lớn xếp trong kho

"Tỉnh có giao cho ngành văn hóa thể thao địa điểm ở 268 Điện Biên Phủ để xây dựng bảo tàng ở địa điểm mới nhưng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021- 2025 chưa được bố trí ngân sách, vì vậy chưa thể triển khai việc chuyển địa điểm mới được", ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết.

Nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn hẹp, chưa xứng tầm - Ảnh 1.

Theo tỷ lệ ngân sách dành cho văn hóa tại hai địa phương có GDP đầu người vào hàng cao nhất miền Bắc là Hà Nội và Vĩnh Phúc cho thấy, khó lý giải tại sao các sơ đồ lại trồi sụt, lúc cao lúc thấp, thậm chí là "phú quý giật lùi". Quốc hội từng đặt ra mục tiêu năm 2010 đầu tư cho văn hóa đạt 1,8% ngân sách nhưng 20 năm (đến năm 2020) vẫn chưa đạt, khi ngân sách chỉ dành 1,71% cho văn hóa.

Huyện Mê Linh, Hà Nội là vùng đất có hơn 160 di tích đậm dấu ấn lịch sử văn hóa, trong đó 25 di tích cấp quốc gia nhưng 5 năm qua, huyện không nhận được một nguồn đầu tư nào của thành phố mà phải tự xoay xở. Giờ đang chờ vào kế hoạch đầu tư 5 năm tới của thành phố với hy vọng sẽ có nhiều thay đổi.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn kinh phí cho lĩnh vực văn hóa, thông tin chỉ chiếm tỉ lệ 1,12% ngân sách Trung ương. Theo các chuyên gia chưa thể tương xứng với mục tiêu chấn hưng văn hóa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn,Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: "Chính vì đầu tư hạn chế, nhỏ giọt và ít như thế lại thành vòng xoáy là khi đầu tư chưa đủ, chưa tạo điều kiện để các thiết chế và hoạt động văn hóa phát huy hiệu quả thì lại hạn chế đầu tư. Tôi cho rằng quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy đầu tư văn hóa. Đó là yếu tố sống còn".

Bảo tàng quốc gia được xem là biểu tượng văn hóa của bất kỳ quốc gia nào nhưng trong lòng tòa nhà cũ kỹ đã gần 100 tuổi, hàng nghìn hiện vật, hàng chục bảo vật quốc gia vẫn phải cất trong kho vì không có chỗ trưng bày. Năm 2006, Chính phủ đã từng phê duyệt một Dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia hiện đại, ngang tầm thế giới. Giấc mơ đã 15 năm và không biết sẽ kéo dài đến bao giờ.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước