Nguyễn Quân. Ảnh: Hải Hưng-Chủ nhật, ngày 19/05/2024 14:00 GMT+7
Nhà văn/Nhà báo Nguyễn Uyển chia sẻ cùng Thời báo VTV. Ảnh Hải Hưng.
Nhà văn - nhà báo Nguyễn Uyển (Nguyên Trưởng ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyên TBT Báo Vĩnh Phú) đã sang tuổi 85 với trên 63 năm trong nghề viết. Các tác phẩm báo chí và văn học của Nguyễn Uyển đều thấm đượm hơi thở của cuộc sống bởi ông rất chăm đi, chăm đọc, chịu suy ngẫm, chỉn chu từng con chữ để biểu đạt tình cảm nồng thắm với dân, với nước, với Đảng và Bác kính yêu.
Nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2024), Thời báo VTV đã cùng nhà văn - nhà báo Nguyễn Uyển trao đổi về đề tài: "Bác Hồ và tư tưởng về Đạo đức Cách mạng".
Nhà văn/Nhà báo Nguyễn Uyển
* Phóng viên: Thưa ông, chúng tôi được biết ông là một trong những người nghiên cứu rất sâu về tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có vấn đề Đạo đức Cách mạng. Nhưng Đạo đức Cách mạng không tự dưng mà có trong mỗi cán bộ đảng viên. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức đó phải được rèn luyện từ lúc nào và bao gồm những nội hàm gì?
* Nhà văn - nhà báo Nguyễn Uyển: Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong (15/5/1941 – 15/5/1961) (Năm 1966, Bác thêm các cụm từ "thật tốt" và "Khiêm tốn"). Toàn văn như sau: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm". Năm điều dạy bảo quý báu ấy thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người tới sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Và đây cũng là mục tiêu phấn đấu rèn luyện của các thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam để trở thành công dân tốt. Đương nhiên đó là lời Người dạy với đối tượng cụ thể là thiếu niên nhi đồng. Nhưng có ai lớn lên, trưởng thành là công dân hay cán bộ của đất nước lại không qua lứa tuổi thiếu niên nhi đồng? Nếu ai đó chót quên, lầm lỡ hiểu đó chỉ là lời Bác dạy thiếu niên nhi đồng thì rất cần chỉnh sửa ngay. Và hơn nữa vi phạm những điều Người dạy, thậm chí phạm pháp thì thật quá hổ thẹn, bẽ bàng với lương tâm làm người!...
Nhà văn/Nhà báo Nguyễn Uyển có nhiều tác phẩm có giá trị viết về Bác Hồ
* Phóng viên: Vâng, ông nhắc Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, tôi mới nhớ ra, trong bức thư gửi Đội Thiếu niên Tiền phong, ngay sau đoạn nêu 5 điều căn dặn ngắn gọn, Người có viết: ..."Mai sau, các cháu sẽ là người chủ của nước nhà, cho nên, từ rày, các cháu cần rèn luyện Đạo đức Cách mạng, để trở thành cán bộ tốt, công dân tốt "...
Như vậy, có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức Cách mạng là phải rèn từ bé. Và đạo đức Cách Mạng, nói ngắn gọn nhất, chính là Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng.
Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực, có nhiều cán bộ đảng viên, thậm chí là lãnh đạo cấp rất cao, phải chịu kỷ luật của Đảng, sự trừng phạt của Pháp luật. Nếu quy về 5 di huấn trên của Người, những cán bộ đảng viên đó đã vi phạm những tiêu chí đạo đức cách mạng nào, thưa ông?
* Nhà văn/nhà báo Nguyễn Uyển: Xây dựng chỉnh đốn Đảng là lĩnh vực rộng lớn và hết sức quan trọng của tổ chức Đảng. Chống tham ô, tham nhũng là đòn đánh chí mạng, quyết liệt không hề có vùng cấm, vùng né, vùng tránh của Đảng và Nhà nước ta với bất kỳ ai sai phạm. Hàng ngàn cán bộ các cấp các ngành từ địa phương đến Trung ương vi phạm đã bị xử lý thích đáng tạo dư luận tốt trong xã hội... Các quan chức này đã bị của cải, chức vị, tiền bạc xâm lấn; nói hay, làm hỏng; đạo đức giả bị nhân dân căm giận, oán ghét. Họ đã quên lời Bác dạy từ thuở ấu thơ: Phải Thật thà; Dũng cảm; Yêu đồng bào, yêu Tổ quốc... nên đã làm những việc ảnh hưởng tới các nguồn lực phát triển, danh dự quốc gia. Những cán bộ đảng viên bị kỷ luật vừa qua, rõ ràng, không thể nói là "công dân tốt, cán bộ tốt". Họ đã gây nên sự buồn đau lớn cho Đảng, cho Nhân dân, cho xã hội!...
Nhà văn Nguyễn Uyển xúc động khi nhắc nhớ về Người
* Phóng viên: Vâng, ngẫm lại, chắc không có tiêu chí đạo đức Cách mạng nào không thể quy về 5 điều Bác Hồ dạy chúng ta từ tấm bé. Cho dù là chiến đấu chống quân thù, hay quản trị tổ chức, hay phát triển doanh nghiệp... đều cần có tình yêu đủ lớn với Tổ quốc, với Nhân dân, đều cần Thật thà, Dũng cảm... Ông có nghĩ, với cách tiếp cận đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cũng đang thể hiện rất rõ tình yêu Tổ quốc, yêu Đồng bào, Thật thà và Dũng cảm vì không dễ mà thực hiện kiểm tra, giám sát mà không có vùng cấm; không dễ mà kỷ luật chính đồng đội, đồng chí của mình mà không đau xót?
* Nhà văn Nguyễn Uyển: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay đang rất được chú trọng. Mục đích cuối cùng chính là để có được cán bộ tốt. Mặc dù việc phải kỷ luật nghiêm khắc chính đồng chí, đồng đội của mình là vô cùng đau xót nhưng Đảng ta vẫn đang kiên trì thực hiện…
Đảng ta đã và đang làm một việc rất đúng và cần thiết. Nhờ công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra rất quyết tâm của khối tư pháp, nhờ sự hỗ trợ tích cực của nhân dân và các cơ quan truyền thông nên rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đã lần lượt được phanh phui. Rất nhiều cán bộ cao cấp vi phạm nặng nề phải xử lý với rất nhiều hình thức...Thú thật là nhiều đảng viên chúng tôi từ ngỡ ngàng đến xao lòng: "Không ngờ"! "Không thể ngờ"!...Nhưng rồi bình tĩnh trở lại, tôi cũng mừng vì Đảng ta đã nói là làm. Làm có bài bản, kỹ càng. Lớn lao đến vậy mà vẫn êm ả. Có lý, có tình, có chứng cứ chuyện của xa xưa ở tỉnh, ở huyện. Chuyện của hôm nay đâu ra đấy chỉ còn cách đưa "còng" vào tay, chỉ còn cách "xin lui chức"...
Ông tâm niệm: "Bất kỳ ai cũng có thể học Bác từ những điều giản dị nhất..."
* Phóng viên: Tôi cũng thấy xung quanh mình, đại đa số đánh giá rất cao công tác xây dựng, chỉnh đốn trong Đảng hiện nay, hầu hết cho là Đảng ta dũng cảm, làm hợp lòng dân. Tuy nhiên, đâu đó, tôi cũng nghe có lo ngại rạn nứt, mất đoàn kết vì kỷ luật là liên quan tới tình cảm, tình nghĩa con người. Nếu đúng vậy thì đáng lo ngại không vì tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức Cách mạng có cả tiêu chí Đoàn kết?
* Nhà văn/nhà báo Nguyễn Uyển: Ngày tháng đau thương xé lòng khi Bác Hồ về với thế giới người hiền dần qua đi, nhưng Di chúc của Bác, từ ấy, cứ thấm đẫm trong tôi từng câu, từng chữ. Đó là tình cảm của Người với Tổ quốc, với Đồng bào, với Đảng: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta." Người nhắc: "Các đồng chí từ Trung ương đến các Chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn thế đó. Nhưng, Người cũng từng nhắc cán bộ đảng viên "Đó không phải là đoàn kết hình thức, giả tạo. Nó phải thể hiện trong tư tưởng, hành động", "Phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ ý kiến của mình", "Đảng viên phải nghiêm túc phê bình và tự phê bình. Đây là cách tốt nhất để phát triển và củng cố sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Đây cũng là quy luật phát triển Đảng".
Đảng ta đang thực hiện chỉnh đốn, xây dựng Đảng với tinh thần, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, là "trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt". Đó là sự đoàn kết, không phải là sự rạn nứt. Trong Đảng ủng hộ, Nhân dân ủng hộ.
"Chịu đọc, chịu đi, chịu nghĩ rồi viết sẽ tạo ra những tác phẩm có giá trị..." - Nhà văn tâm niệm
* Phóng viên: Tôi được biết, ông cũng có những tác phẩm đặc sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người? (Bản thân tôi ấn tượng với tập "Bác Hồ của Nhân dân" với "Đọc và suy ngẫm" của ông) Ông có thể chia sẻ một vài tác phẩm tiêu biểu? Xin được hỏi, cảm xúc, tâm thế của ông như thế nào khi viết về Bác?
Nhà văn/nhà báo Nguyễn Uyển: Tôi đam mê viết về Bác Hồ. Bút ký đầu tiên viết về Bác Hồ với tên bài "Thôn Thượng đón thư Bác" phát trong buổi phát thanh Nông nghiệp Đài tiếng nói Việt Nam vào tháng 10 năm 1966. Tới nay, trong nhiều ngàn bài viết trên các báo cũng có tới vài trăm bài viết về chủ đề Hồ Chí Minh, về "Học tập và làm theo Tư tưởng – Đạo đức – Phong cách Hồ Chí Minh". Mấy năm gần đây tôi được trao phần thưởng với ấn phẩm "Làm theo lời Bác" do Ban Tuyên huấn Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Nhận giải thưởng Báo chí Quốc gia với tác phẩm "Phong cách Hồ Chí Minh – Tinh hoa của thời đại" đăng trên báo Nhà báo và Công luận. Đây là niềm vui lớn trong cuộc đời cầm bút của tôi. Bởi mới tập nói, bố mẹ đã dạy tôi nói lời âu yếm gọi tên Bác Hồ! Lớn lên, suốt dặm dài đất nước nhiều nơi Bác ở và làm việc tại Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang trong kháng chiến, cũng như những nơi Người về thăm và làm việc ở Vĩnh Phúc, Phú Tho; Phú Diễn, Hà Nội; hoặc quê hương Bác ở Nam Đàn; nơi Bác dạy học ở xã Dục Thanh, Phan Thiết, Ninh Thuận và nơi Người dời đất nước tại Bến Nhà Rồng thì tôi đều tới thăm, nghe nhân chứng kể và lắng sâu tình dân truyền nhau nhớ Bác.
Xa hơn những năm cuối 80 của thế kỷ trước khi học báo chí ở Hungary; học giảng dạy báo chí ở thanh phố Lilles của Pháp (năm 2004), người ta đều dẫn chứng hay về cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn nữa, tôi đã tới Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phamon của Thái Lan, nơi Bác chọn để sống và làm việc cả tháng 2/1930 trong sự đùm bọc của Việt Kiều; thăm ngôi nhà lưu giữ kỷ vật Bác hoạt động cách mạng và làm báo Thanh Niên, tờ báo tiếng Việt, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc... Tất cả, tất cả gom lưu lại và ấp ủ trong tôi như một nguồn năng lượng vô tận.
Tuổi cao nhưng sức viết chưa dừng lại, nhiều ý tượng sáng tạo vẫn được ông ấp ủ, thai nghén.
Tôi viết nhiều về Bác Hồ cũng bởi tôi đam mê tìm hiểu về Bác, cũng bởi lòng dân đâu đâu ở nơi đất trời này cũng yêu kính Bác Hồ. Bởi Bác là người khai sinh ra nước Việt Nam ta, dạy dỗ dân tộc ta đứng lên làm người danh giá và tử tế. Bởi UNESCO từ lâu đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân Văn hóa thế giới!
Viết về Người mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận... Muốn viết hay thì phải đam mê với nghề. Phải cảm thụ sâu sắc bởi chính Người mãi mãi là nguồn cảm hứng phong phú và vô tận của dân tộc, của báo chí, văn học nghệ thuật, của âm nhạc và hội họa... Muốn viết hay, viết đúng, viết trúng thì phải học hỏi, phải đọc, phải chịu nghe, chịu quan sát để hiểu rõ mới mong viết hay viết đúng về Bác Hồ vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Tư tưởng – Đạo đức – Phong cách của Người mãi ngời sáng với dân tộc ta và nhân loại!
Tiếc nỗi, tôi đã ở tuổi già, sức mỗi ngày mỗi kém. Không dám nói trước điều gì. Nhưng còn sức khỏe, tôi vẫn còn sẽ viết về Bác Hồ. Nghĩ về Người, trong tôi vẫn đầy ắp những cảm xúc tươi mới.
* Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ cởi mở suy nghĩ và dữ liệu của ông về tư tưởng Hồ Chí Minh. Những điều này sẽ giúp độc giả có cách hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng của Người, đặc biệt là Đạo đức Cách mạng với những tiêu chí vô cùng thiết thực, đơn giản, dễ hiểu và không kém phần cao cả. Xin được kính chúc ông sức khỏe!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!