Người dân xã Bản Lầu, Mường Khương, Lào Cai đón những người bạn láng giềng có chung dòng sông Bá Kết, con sông tạo thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung. Bám trụ nơi vùng biên, người dân nơi đây là chất keo kết dính mối quan hệ tốt đẹp giữa hai dân tộc khi thôn Cốc Phương và Na Lốc 4 ở xã Bản Lầu kết nghĩa với tổ Tam Bình Bá và tổ Điền Phòng thuộc thị trấn Nam Khê, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tình cảm giữa các thôn kết nghĩa tựa như câu hát "Tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây. Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng".
Kể từ khi thôn Cốc Phương kết nghĩa với tổ Tam Bình Bá của Trung Quốc cách đây 10 năm, đến nay trên toàn tuyến biên giới đã hình thành 62 cặp cụm kết nghĩa dân cư hai bên biên giới. Tình cảm mà nhân dân hai nước dành cho nhau còn được kết nối bởi những câu chuyện khác nhau, với những con người nên duyên vợ chồng. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh có vợ là nghệ sĩ dương cầm người Trung Quốc. Theo chồng về Việt Nam, Mạc Song Song giờ đã nói thạo tiếng Việt và giúp chồng quản lý Dàn nhạc dân tộc Sức sống mới.
Tình cảm gắn bó giữa hai nước láng giềng, từ nhân dân đến các thế hệ lãnh đạo 2 đất nước. Hồ Chủ tịch là người bạn lớn, thân thiết của nhân dân Trung Quốc. Tháng 6/1955, Người đi qua Mục Nam Quan (nay là cửa khẩu Hữu Nghị) thăm chính thức Trung Quốc.
68 năm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây tại cửa khẩu này - Nơi mà tên gọi đã gửi gắm mong muốn mà 2 cả bên cùng hướng tới. Đó là, duy trì, gìn giữ và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia có chung đường biên.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc luôn là quan hệ láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, nhân dân gần gũi. Tình hữu nghị truyền thống vừa là đồng chí vừa là anh em do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo tiền bối gây dựng và vun đắp là tài sản quý báu của nhân dân hai nước cần tiếp tục được kế thừa, bảo vệ và phát huy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!