Nửa nhiệm kỳ thực hiện chuyển đổi số

Hà Bình-Thứ bảy, ngày 08/07/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Chuyển đổi số trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng quản trị bền vững.

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố, nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhờ đã quyết liệt thực hiện chuyển đổi số.

563 camera đặt tại nhiều điểm khác nhau của thành phố Huế kết nối dữ liệu về Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Công nghệ trí tuệ nhân tạo được tích hợp trong nhận diện biển số, khuôn mặt, xác định các hành vi vi phạm giao thông… phát hiện hỏa hoạn, cháy rừng. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật về chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong nửa nhiệm kỳ qua.

Trong hơn 2 năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế liên tiếp xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số đánh giá chuyển đổi. Địa phương này xác định thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt phải lấy người dân làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số.

Nửa nhiệm kỳ thực hiện chuyển đổi số - Ảnh 1.

Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch đồng bộ trong việc nâng cao nhận thức của cấp ủy chính quyền trong triển khai chuyển đổi số. Đảng viên, cán bộ công chức phải đi đầu trong việc xây dựng dữ liệu công dân của mình. triển khai sâu rộng để tiến tới một xã hội số", ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, cho biết.

Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết riêng về chuyển đổi số, với điểm nhấn là Đề án phát triển, ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Chỉ trong nửa nhiệm kỳ, Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên của cả nước đã số hóa hộ tịch cho toàn bộ 1,1 triệu dân; đồng bộ dữ liệu hộ tịch của tỉnh với dữ liệu dân cư quốc gia, từ đó công dân được xác thực thông tin nhanh chóng, không phải cung cấp giấy tờ khi làm thủ tục hành chính.

"Chúng tôi đang đăng ký với Bộ Công an để làm những mô hình điểm trong việc thực hiện Đề án 06, giúp cho người dân thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ, không phải tiếp xúc nhiều với cán bộ và từ đó sẽ không phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực", bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, thông tin

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế". Với tinh thần đó, nhiều địa phương đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, trong đó đề cao vai trò và sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp. Bởi chuyển đổi số, xét đến cùng là để phục vụ đời sống nhân dân, giúp kinh tế địa phương và đất nước phát triển. Nhờ đó, mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.

Hà Nội sẽ quyết tâm trong chuyển đổi số Hà Nội sẽ quyết tâm trong chuyển đổi số

VTV.vn - Tại phiên chất vất Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận những hạn chế và cam kết sẽ quyết liệt hơn nữa đối với công tác chuyển đổi số.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước