Gần 10 năm trước, để giải quyết bài toán thôn "trắng" đảng viên, Đảng ủy xã Thượng Nông đã cử 2 cấp ủy viên lên Pác Củng, thôn khó khăn nhất, xa xôi nhất của cả huyện Na Hang (Tuyên Quang) để bồi dưỡng quần chúng, kết nạp đảng viên, thành lập chi bộ. Đến nay, Bí thư Chi bộ Bàn Văn Chanh, dân tộc Sán Chỉ, cùng 11 đảng viên của chi bộ thực sự là những hạt nhân tích cực nhất.
Họ là những người giúp Pác Củng bê tông hóa kênh mương, chuyển từ canh tác lúa một vụ lên hai vụ, đưa cây chè vào phát triển kinh tế hàng hóa... mang lại ấm no cho người dân Pác Củng.
"Bí thư chi bộ, trưởng bản tốt lắm, vận động nhân dân làm nhà văn hóa, làm kênh mương dẫn nước, giờ sản xuất được hai vụ lúa, đời sống đỡ khó khăn hơn trước rồi" - chị Bàn Thị Tiệp, xã Thượng Nông chia sẻ.
Nhiệm kỳ qua, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Na Hang đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có vai trò rất lớn của đội ngũ đảng viên ở cơ sở. Làm thế nào để có nhiều mô hình như ở Na Hang là một vấn đề được Tuyên Quang chú trọng.
Đảng viên giúp dân chuyển từ canh tác lúa một vụ lên hai vụ.
Thực tiễn cho thấy, tại cơ sở, đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số, am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình sẽ đảm nhiệm vai trò đi đầu và là nòng cốt trong tuyên truyền chủ trương của Đảng đến với nhân dân.
Ông Hoàng Anh Cương, Bí thư Huyện ủy Na Hang, Tuyên Quang cho biết: "Đến nay, trên địa bàn huyện Na Hang đã xóa được việc các thôn ở vùng sâu, vùng xa không có đảng viên và chi bộ thôn bản cơ bản có trên 5 đảng viên".
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Na Hang đặt ra mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm. Để những mục tiêu đặt ra sớm thành hiện thực, vai trò, trách nhiệm của những đảng viên ở cơ sở tiếp tục được phát huy, để họ thực sự là những nhân tố tích cực trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!