Đây là hoạt động chính thức cuối cùng của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Tây Ban Nha từ ngày 1-3/3 theo lời mời của Phó Thủ tướng thứ nhất Tây Ban Nha Nadia Calvino.
Thành lập cách đây hơn 170 năm, Tập đoàn Iberdrola là một trong những công ty năng lượng hàng đầu thế giới, tạo ra hơn 40.000 việc làm trên khắp thế giới và có giá trị tài sản khoảng hơn 150 tỷ Euro.
Bà Celia Roldan, Giám đốc phụ trách các vấn đề thể chế của Tập đoàn Iberdrola, đón Phó Thủ tướng và Đoàn đến thăm nhà máy hydro xanh tại Puertollano.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nghe đại diện Tập đoàn Iberdrola giới thiệu về quá trình sản xuất hydro xanh.
Đặc biệt, Iberdrola là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu sản xuất khí hydro xanh-nguồn năng lượng của tương lai; đang vận hành 60 dự án hydro xanh tại 8 quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha, Anh, Australia, Brazil, Hoa Kỳ.
Tại Tây Ban Nha, Tập đoàn Iberdrola hiện đang vận hành hai nhà máy, trong đó nhà máy đầu tiên đặt tại Barcelona có công suất 2,5 mMW và nhà máy thứ 2 có công suất 20 MW tại Puertollano, cách Thủ đô Madrid hơn 250 km đường bộ. Hiện nay, hydro xanh sản xuất tại Barcelona của Tập đoàn Iberdrola chủ yếu được sử dụng để chạy xe tải hạng nặng và xe bus.
Iberdrola dự kiến sẽ xây dựng nhà máy thứ 3 tại Tây Ban Nha với công suất 200 MW, theo một lộ trình phù hợp để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Tại Việt Nam, Iberdrola hiện diện thông qua việc mua lại Công ty Sowitec Vietnam (là Công ty con thuộc Tập đoàn Sowitec của Đức) vào tháng 7/2021, qua đó, nắm quyền sở hữu và điều hành 5 dự án điện gió tại Việt Nam mà Sowitec Vietnam đang đầu tư tại Gia Lai và Quảng Bình với tổng công suất 550 MW.
Iberdrola đặt mục tiêu đầu tư 9 tỷ euro để nâng công suất khí hydro xanh lên 3.500 tấn vào năm 2030.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao đổi với bà Mai Lê Phương Dung-Giám đốc quốc gia của Tập đoàn Iberdrola.
Hydro xanh được kỳ vọng là nguồn năng lượng của tương lai, là chìa khóa cho chiến lược chuyển đổi năng lượng của thế giới, do có khả năng thay thế nhiên liệu hóa thạch và có thể tích lũy, lưu trữ trong thời gian dài sau đó sử dụng theo nhu cầu.
Vì đây là công nghệ mới nên đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, chi phí sản xuất khá cao. Bên cạnh đó, ngay nhà máy của Tập đoàn Iberdrola tại Puertollano cũng chưa tận dụng được nguồn oxy và nhiệt tỏa ra từ quá trình sản xuất hydro xanh.
Tuy nhiên, khi các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, cùng với chiến tranh, xung đột dễ dẫn đến nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng năng lượng thì việc đầu tư nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế ngày càng được các quốc gia quan tâm.
Với Việt Nam, Chính phủ đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện chất thải rắn. Đến nay, trong tổng số trên 78.000 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, có 16.564 MW điện mặt trời (bao gồm 8.904 MW điện mặt trời tập trung và 7.660 MW điện mặt trời mái nhà), 4.126 MW điện gió, khoảng 382 MW điện sinh khối, và hơn 9 MW điện rác đã được đưa vào vận hành thương mại.
Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, trong đó đề ra lộ trình phát triển các nguồn điện phù hợp với tỉ lệ các nguồn tái tạo ngày càng tăng, giảm dần các nguồn điện không thân thiện với môi trường.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 04 mục tiêu chính là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Việt Nam đã đưa ra cam kết tại COP26 về đưa phát thải ròng về "0" và để hướng tới nền kinh tế xanh nên quá trình chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần huy động lượng lớn tài chính từ trong nước, các định chế tài chính quốc tế và các Tập đoàn nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!