Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19 - 20/6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tạo động lực thúc đẩy hai nước tiếp tục làm sâu sắc quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời.
Sochi - thành phố bên bờ Biển Đen của nước Nga, là địa điểm Tổng thống Nga Putin dành đón tiếp những nhà lãnh đạo các nước lớn và đối tác quan trọng trên thế giới, các nhà lãnh đạo thân thiết với nước Nga.
Năm 2014 và 2018, cuộc gặp gỡ thân tình giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Vladimir Putin đã diễn ra tại nơi này. Từ đây, cùng với Tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo là hàng loạt văn kiện hợp tác song phương được ký kết, tiếp tục trở thành xung lực mới cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện.
Năm nay cũng là năm hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga và tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư tới Nga năm 2018. (Ảnh: VGP)
"Điều quan trọng nhất và quý giá nhất mà chúng ta có là niềm tin, cùng với đó là nền tảng lịch sử đã làm nên sự gắn bó đặc biệt bền vững trong quan hệ hai nước", GS. Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương, Viện Đông phương, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định.
"Từ nền tảng lịch sử, quan hệ hữu nghị Nga và Việt Nam còn được bồi đắp trên cơ sở quan hệ con người. Đó là các thế hệ du học sinh và những người lao động Việt Nam ở Nga, đó là hàng nghìn các chuyên gia Liên Xô đã có mặt ở Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng như xây dựng đất nước", GS. Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết.
"Tôi thấy có sự đồng điệu trong tâm hồn và tình cảm của người Nga và người Việt, thực sự rất đúng khi nói rằng hai nước dù cách xa về mặt địa lý, nhưng lại rất gần gũi về tâm hồn. Câu nói từ thời Xô Viết nhưng vẫn rất thực tế trong hôm nay", bà Maria Zelenkova, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, cho hay.
Tháng 6/2023, kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân đến nước Nga Xô Viết, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khánh thành tại thành phố cảng Saint Petersburg.
Hôm nay, dấu ấn Bác Hồ, dấu ấn Việt Nam có thể nhìn thấy ở mọi nơi, từ Thủ đô Phương Bắc đến vùng Viễn Đông xa xôi của nước Nga. Những bước chân người Việt vẫn đi qua cả mùa tuyết lạnh trên những mỏ dầu ở vùng Bắc Cực.
Nếu nước Nga thân thương đã in sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ Việt Nam, thì Việt Nam cũng luôn có một vị trí đặc biệt với nhiều người Nga.
"Tôi biết đến đất nước này trong giai đoạn khó khăn nhất, đi qua cả những ngày xây dựng thủy điện Hòa Bình và dõi theo Việt Nam đổi mới. Trong tôi vẫn đang lưu giữ nhiều ký ức về Việt Nam", nhà sử học Vadim Larin, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, chia sẻ.
"Việt Nam đang và sẽ luôn hiện diện trong cuộc đời tôi. Không phải là hàng ngày, nhưng rõ ràng có rất nhiều khoảnh khắc tôi nhớ đến và đắm chìm trong đó. Có lẽ là vì một phần nào đó tôi đã thấm nhuần văn hóa và lối sống Việt Nam", bà Maria Zelenkova, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, nói.
Đi qua những thăm trầm lịch sử, tình hữu nghị vượt không gian và thời gian đã trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc Việt Nam - Liên bang Nga. Cách đây đúng 30 năm, hai nước đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, tạo ra tiền đề cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện của hôm nay. Với nhiều tâm huyết, nỗ lực, nhiều thế hệ người Nga và người Việt vẫn đang tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển tình hữu nghị đặc biệt này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!