Một trong những nội dung được dư luận quan tâm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày cho công tác lấy phiếu tín nhiệm. Toàn bộ kết quả lấy phiếu sẽ được công khai. Văn phòng Quốc hội sẽ có thông báo chính thức về kết quả lấy phiếu.
Đại diện Ban Công tác đại biểu cho biết đã nhận đầy đủ báo cáo, kê khai tài sản của người có liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm. Các báo cáo theo quy định được gửi trước 20 ngày và đến nay đã được gửi đầy đủ tới các đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp sẽ có phiên thảo luận tại đoàn để các đại biểu có ý kiến về các báo cáo, kê khai tài sản.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trả lời câu hỏi của nhà báo về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6
Về lý do lấy phiếu tín nhiệm đầu kỳ họp thay vì sau phiên chất vấn, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, việc lấy phiếu nhằm đánh giá suốt từ đầu nhiệm kỳ nên việc lấy phiếu tín nhiệm đầu kỳ họp là phù hợp.
Quốc hội khoá XV đến nay đã bầu và phê chuẩn 50 chức danh. Hiện có 49 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, một số chức danh sẽ không được lấy phiếu tín nhiệm là các chức danh nghỉ hưu, được bầu trong năm 2023. Danh sách các chức danh được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vào ngày 24/10.
Trả lời câu hỏi liên quan phản ánh về trách nhiệm nêu gương của người được lấy phiếu, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, đến nay chưa nhận thông tin gì liên quan. Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp tục theo dõi các vấn đề phát sinh và báo cáo Quốc hội.
Về điểm đáng chú ý khác tại kỳ họp thứ 6, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp này có điểm khác biệt, khi Quốc hội sẽ tập trung xem xét việc thực hiện các cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Do vậy, nội dung chất vấn rất rộng, bao quát nhiều vấn đề, khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh Trịnh Xuân An
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Chính phủ đề xuất đổi tên là Luật Căn cước và đa phần các ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng tình lấy tên là Luật Căn cước.
Trước thắc mắc nếu sửa tên luật, thay tên thẻ thì có gây tác động với người dân hay không, ông An cho biết Điều 46 của dự luật sẽ có quy định để không gây ảnh hưởng, chỉ thay đổi căn cước nếu công dân có yêu cầu.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 23/10/2023, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 29/11/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày): từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2 (7 ngày): từ ngày 20 đến sáng ngày 28/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!