Quốc hội Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành APPF

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 16/12/2021 07:07 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Lễ Bế mạc Hội nghị APPF 29

VTV.vn - Việc Quốc hội Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành APPF cho thấy sự tín nhiệm cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam.

Sau gần ba ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, chiều 15/12/2021 (giờ VN), Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF 29) đã họp phiên toàn thể cuối cùng và phiên bế mạc dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seug. Hội nghị đã thông qua Thông cáo chung thể hiện quyết tâm của các nghị viện thành viên củng cố hợp tác nghị viện đa phương cùng đoàn kết, hợp tác phục hồi sau đại dịch.

Hội nghị cũng nhất trí đề cử của Ban Chấp hành APPF về việc Quốc hội Việt Nam, cùng với Quốc hội Nhật Bản và Quốc hội New Zealand tham gia Ban Chấp hành APPF mới, trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF 30 đến hết Hội nghị APPF 33.

Việc Quốc hội Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành APPF cho thấy sự tín nhiệm cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam.

Cũng tại phiên toàn thể, Hội nghị chào mừng Hội đồng lập pháp Brunei Darussalam chuyển từ vị trí quan sát viên thành thành viên APPF.

Quốc hội Hàn Quốc chuyển giao chức Chủ tịch APPF và vai trò chủ nhà APPF 30 dự kiến tổ chức vào năm 2022, cho Quốc hội Thái Lan.

Quốc hội Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành APPF - Ảnh 1.

Nhiều dấu ấn của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong các nội dung của Hội nghị APPF 29

Hội nghị APPF 29 đã ghi dấu ấn của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam khi tham gia tích cực và trách nhiệm tại các phiên họp về văn kiện của Hội nghị: kéo dài 9 ngày, thảo luận 13 dự thảo Nghị quyết về các lĩnh vực; đóng góp những nội dung thiết thực đối với các Nghị quyết về hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển bền vững và vai trò của các nghị sỹ, nâng cao bình đẳng giới, trách nhiệm giới và nhạy cảm giới trong các hoạt động của nghị viện và Thông cáo chung.

Đoàn Việt Nam đã đề xuất 2 sáng kiến về "Vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phục hồi sau đại dịch COVID-19" và "Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số". Hai sáng kiến này của Việt Nam đã được thể hiện trong 04 Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị lần này là Nghị quyết về thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối, Nghị quyết về tăng cường hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại, Nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ và Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó COVID-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi sau đại dịch.

Quốc hội Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành APPF - Ảnh 2.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị APPF29 từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Ba nội dung được Đoàn Việt Nam đề xuất, tiếp thu vào dự thảo Thông cáo chung gồm: kêu gọi hợp tác quốc tế về phòng, chống COVID-19, bảo đảm tiếp cận công bằng đối với vaccine, các biện pháp về y tế, phương pháp điều trị COVID-19… Việt Nam cũng đề xuất những vấn đề về an ninh nguồn nước, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề được Việt Nam quan tâm và ưu tiên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề xuất vấn đề mang tính lợi ích cốt lõi vào dự thảo Thông cáo chung là kêu gọi các Nghị viện thành viên APPF ủng hộ các nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) vì lợi ích của tất cả các bên.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Diễn đàn APPF-29 do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ làm Trưởng đoàn đã tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Quốc hội Việt Nam tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương, qua đó, phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực quan trọng như APPF; thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện trên toàn cầu; góp phần vào những nỗ lực ngoại giao chung của Đảng, Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, việc tham dự Hội nghị APPF-29 thể hiện sự ủng hộ của Quốc hội Việt Nam đối với Quốc hội Hàn Quốc, một đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong khu vực; tăng cường quan hệ và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước đối với các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của ta.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước