Chưa khi nào tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm lại đáng báo động như vừa qua. Tình trạng này diễn ra ở không ít địa phương, đơn vị, khiến cho công việc ở nhiều nơi bị ách tắc, đình trệ, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, doanh nghiệp.
Để phát triển, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm đang là vấn đề cấp thiết lúc này. Nhiều địa phương, đơn vị đang quyết liệt chữa căn bệnh này bằng nhiều biện pháp, cách làm quyết liệt.
Tại phiên họp của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các nhiều sở, ngành địa phương là vấn đề nóng, được đặc biệt quan tâm.
Phiên họp của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội
"Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý bàn lùi, không làm thì không sai, không dám tham mưu, đề xuất, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm".
Bí thư Thành ủy Hà Nội ĐINH TIẾN DŨNG
Quyết tâm công phá vào căn bệnh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm là vấn đề được cấp thiết được đặt ra. Đầu tháng 8 vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24 về Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị. Trong đó, bên cạnh việc thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong thực thi nhiệm vụ diễn ra ở nhiều cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Chỉ thị cũng đặt quyết tâm cao trong chấn chỉnh những hành vi cản trở sự phát triển của Thành phố, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng gợi ý 25 biểu hiện nhận diện cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Theo Ban Tuyên giáo quận ủy Thanh Xuân
Tại một hội nghị mới đây, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã nhận diện được 12 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức.
Quang cảnh Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 13
Trong đó, có một số biểu hiện phổ biến như: Tình trạng cán bộ, công chức, người đứng đầu đùn đẩy, né tránh, giao cho cấp phó, trong khi đó, cấp phó cũng an toàn, đẩy trách nhiệm cho cấp dưới, hoặc kết luận an toàn, yêu cầu bổ sung thêm các trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian xử lý vụ việc phức tạp; nhiều công việc giải quyết cứng nhắc lấy lệ, tham mưu lòng vòng đưa ra phương án chung chung, không thể hiện chính kiến…
Về nguyên nhân của thực trạng trên, các ý kiến cho rằng do sự chồng chéo, không thống nhất, đồng bộ giữa các luật, văn bản hướng dẫn dưới luật; nhiều vấn đề khó, vướng, chưa có quy định, hoặc quy định còn chồng chéo, nên tạo tâm lý e ngại trong công tác tham mưu, thậm chí còn nảy sinh tư tưởng "làm ít sai ít, không làm không sai".
Trên cơ sở những nguyên nhân này, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã đưa ra 4 nhóm giải pháp để khắc phục. Đi kèm với đó là những chế tài cụ thể.
Ngoài việc xử lý tạm đình chỉ công tác, chuyển đổi, bố trí công tác khi cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu. TP Đà Nẵng cũng đang rà soát lại các quy chế làm việc, cơ chế nhận xét, tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là xây dựng lại bộ thủ tục hành chính,..có quy chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung của thành phố.
Lãnh đạo Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương gần đây đều có những chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng đùn đẩy, né tránh trong thực thi công vụ. Nhiều địa chỉ để tồn đọng công việc cũng đã được chỉ ra.
Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
"Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, dẫn đến làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ "an toàn", né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!".
Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Đây cũng là tinh thần được nêu trong Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Một trong những nội dung được nhấn mạnh, đó là kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, năng lực yếu; để địa phương, đon vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đầu tư của Thành phố.
Đến nay, việc thực hiện Chỉ thị 24 trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang được tích cực triển khai. Việc ban hành Chỉ thị được cho là đúng, trúng, kịp thời, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhất là trong khối các cơ quan hành chính của Thủ đô.
Đặc biệt, với 6 nội dung chính và 25 gợi ý nhận diện 3 nhóm biểu hiện; gồm nhóm biểu hiện về vi phạm kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc; nhóm biểu hiện về né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ; nhóm biểu hiện trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người dám đấu tranh; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo..
Qua đây, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị Thành phố, từng tập thể, từng cá nhân có thể "tự soi, tự sửa".
Ngay sau khi được ban hành, các cấp ủy trên địa bàn Thành phố đã cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 24 bằng các hành động cụ thể, tập trung vào những khâu yếu, việc khó.
Nhiều địa phương, đơn vị đã cụ thể hóa vào chức năng, nhiệm vụ của mình để xác định các công việc phải theo phương châm 5 rõ: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả.
Việc thực hiện được gắn với nhiệm vụ đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, đặc biệt đề cao trách nhiệm sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Khi kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm được đề cao thì tình trạng đùn đẩy, né tránh sẽ giảm bớt.
Cùng với các chế tài để xử lý nghiêm những biểu hiện co cụm, bàn lùi, đẩy việc thì một giải pháp được nhiều cấp ủy tích cực triển khai, đó là khơi dậy tinh thần cống hiến của đội ngũ cán bộ, công chức.
Từ thực tiễn đang cho thấy để khắc phục tình trạng dùn đẩy né tránh công việc, Phải tạo được môi trường cho đội ngũ cán bộ, công chức thấy được rằng, chăm lo giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển là niềm vinh dự trong thực thi công vụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!