Toàn cảnh phiên họp.
Tiết kiệm chi ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng từ sắp xếp các đơn vị hành chính
Sáng 14/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 9 xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021" và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.
Trình bày báo cáo tóm tắt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, việc sắp xếp ĐVHC ở đa số địa phương đã bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, quy trình và tiến độ theo kế hoạch, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Nơi nào có sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy thì nơi đó làm rất tốt việc sắp xếp ĐVHC.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu.
Đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp ĐVHC, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đã tinh gọn được tổ chức bộ máy thông qua việc giảm được 08 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã; 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.
Theo báo cáo của Chính phủ, đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2021 khoảng 2.008,63 tỷ đồng, trong đó giảm chi hoạt động của chính quyền cấp huyện, cấp xã là 1.132,63 tỷ đồng và giảm chi phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khoảng 876 tỷ đồng.
Về hiệu quả của công tác quản lý nhà nước: theo báo cáo của các địa phương, sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp ĐVHC cơ bản đạt kết quả tốt, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra; đồng thời, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đều được bảo đảm.
Để có cơ sở phân tích, đánh giá sâu hơn về hiệu quả của việc sắp xếp ĐVHC trên từng khía cạnh, Đoàn giám sát đã có văn bản đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cung cấp thêm thông tin liên quan cho Đoàn giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nêu ra một số tồn tại hạn chế trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC như việc số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp khá lớn nên không thể hoàn thành việc bố trí, sắp xếp vị trí mới hay cho nghỉ việc trong thời gian ngắn.
Một số địa phương cho rằng, chưa có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng đô thị giữa trước và sau khi sắp xếp ĐVHC; đa phần các đô thị được mở rộng thêm diện tích sau khi nhập với nông thôn đều có sự giảm sút về chất lượng đô thị so với trước do mật độ dân số thấp, dàn trải trên diện tích rộng hơn, trong khi hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu. Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đang tổ chức lập đồng thời và chưa được phê duyệt cũng khiến một số địa phương chưa đủ căn cứ để tổ chức lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị ở những ĐVHC đô thị vừa thực hiện sắp xếp.
Để khắc phục những hạn chế này, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương triển khai việc lập, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch theo quy định; các địa phương cần có kế hoạch, dự kiến phân bổ nguồn lực, kinh phí hợp lý cho công tác lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị và việc đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị. Đoàn giám sát đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo bổ sung về các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị và những nội dung cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn khi sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2022-2030.
Về công việc trong thời gian tới, Đoàn giám sát sẽ tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với các địa phương sau khi có sự chỉ đạo của UBTVQH vào tháng 4/2022. Dự kiến 6 tỉnh được lựa chọn gồm Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Tinh gọn bộ máy, đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của đoàn giám sát, đã có cách làm bài bản khoa học, chỉ đạo quyết liệt, hình thành khung sườn của báo cáo. Đây là kết quả bước đầu để có báo cáo giám sát chuyên đề chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế là chủ trương rất lớn dựa tiêu chí chính là diện tích và dân số còn điều kiện đủ là vị trí địa lý, hoàn cảnh lịch sử, phong tục tập quán, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh.
"Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cần đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân. Mục tiêu cuối cùng là tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm kinh phí. Chuyên đề giám sát cần toát lên tinh thần đó" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đoàn giám sát và cơ quan phụ trách có liên quan cần cố gắng hơn nữa, cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ, đánh giá cụ thể, tránh chung chung.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt ra một số câu hỏi cho đoàn giám sát cần làm rõ: Một xã vùng sâu vùng xa, hộ nghèo ghép với một xã khá như thế nào, xã nông thôn mới mới xã chưa phải nông thôn mới thì có phải là xã nông thôn mới không? Một xã ghép với một phường thì gọi là phường có thỏa đáng không?
Phát biểu kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến tại phiên họp cơ bản tán thành với báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát, cơ bản đánh giá cao kết quả giám sát, tinh thần trách nhiệm của Chính phủ và các địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc sắp xếp các đơn vị hành chính là chủ trương rất lớn của Đảng. Những công việc tiếp theo cần tiếp tục triển khai, phấn đấu làm sớm hơn. Đoàn giám sát khẩn trương tiến hành phối hợp với các cơ quan, địa phương, làm việc với các cơ quan của Chính phủ. Trên cơ sở kết quả khảo sát, tiếp thu, phối hợp 10 báo cáo bổ sung để xây dựng hoàn thiện dự thảo bao cáo giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Đoàn giám sát cần đánh giá đầy đủ thực chất tất cả các mặt, nguyên nhân, trách nhiệm chủ thể liên quan, cả mặt tốt và chưa tốt, làm rõ kiến nghị, kể cả việc sửa đổi các nghị quyết. Bao cáo phải rõ ràng đầy đủ có tốt có xấu, chi tiết cụ thể từng nội dung, đánh giá mức độ thành công hay chưa làm được, từ đó rút ra bài học cho giai đoạn tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!