Sắp xếp cán bộ dôi dư trong sáp nhập xã, huyện: Cần chủ động, trách nhiệm và quyết liệt

Phùng Anh-Thứ năm, ngày 21/03/2024 06:01 GMT+7

VTV.vn - Để giải quyết cán bộ dôi dư trong sáp nhập đơn vị hành chính, ngoài các chính sách chung, các địa phương cần thực sự chủ động, trách nhiệm và quyết liệt trong thực hiện.

Giải quyết nhân sự dôi dư trong sáp nhập đơn vị hành chính là một việc khó. Bởi cán bộ phần lớn đã được chuẩn hóa, khung biên chế tại các đơn vị cơ bản đã ổn định. Hơn nữa, đây cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của cán bộ. Thực tiễn cho thấy, để giải quyết thành công, ngoài các chính sách chung, các địa phương cần thực sự chủ động, trách nhiệm và quyết liệt trong thực hiện.

4 năm trước, huyện Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình được sáp nhập để thành lập thành phố Hòa Bình hiện tại. Sau sáp nhập, thành phố có hơn 160 nhân sự dôi dư. Để sắp xếp, về chính sách, Hòa Bình ban hành Nghị quyết riêng về hỗ trợ những cán bộ nghỉ sớm. Mức hỗ trợ cao nhất lên đến 150 triệu đồng/người.

Trước đó, địa phương cũng tạm dừng tuyển dụng công chức, đồng thời đẩy mạnh đánh giá, xếp loại công chức hàng năm làm cơ sở xác định đối tượng tinh giảm.

Sắp xếp cán bộ dôi dư trong sáp nhập xã, huyện: Cần chủ động, trách nhiệm và quyết liệt - Ảnh 1.

Giải quyết nhân sự dôi dư trong sáp nhập đơn vị hành chính là một việc khó. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

"Công khai, minh bạch tất cả chế độ chính sách và quy định về tiêu chuẩn cán bộ ra sao; đánh giá công chức hàng tháng, đánh giá chất lượng hoạt động...", ông Ngô Văn Quyền, Bí thư Đảng ủy xã Quang Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, cho biết.

"Thành ủy giao UBND thành phố xây dựng kế hoạch luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, qua đợt này điều động để giảm tải nơi thừa đến nơi thiếu mà vẫn đáp ứng tiêu chuẩn vị trí việc làm", ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, cho hay.

Bộ Nội vụ cho biết, theo kế hoạch, sắp tới 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sáp nhập. Hơn 46.000 cán bộ sẽ dôi dư sau đợt sáp nhập này.

Từ thực tiễn Hòa Bình và các đơn vị đã thực hiện, để sắp xếp thành công số cán bộ dôi dư ngoài chính sách chung của Trung ương, các địa phương cần hết sức chủ động, trách nhiệm và quyết liệt trong tiến hành.

"Nếu chỉ công khai, minh bạch thì chưa đủ, bên cạnh đó phải đảm bảo được tính khách quan. Khách quan thể hiện ở chỗ phân loại đánh giá để làm sao tìm được những người có đủ năng lực phù hợp với yêu cầu công tác mới khi chúng ta sáp nhập. Khách quan còn thể hiện ở việc đánh giá về năng lực của những người không phù hợp", ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nhận định.

"Cùng với các thể chế chính sách ưu đãi vượt trội, chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền trình HĐND cấp tỉnh ban hành các cơ chế chính sách riêng phù hợp với cân đối ngân sách của địa phương để giải quyết chế độ chính sách cho các cán bộ dôi dư", ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, việc sáp nhập các huyện, xã đợt này cần hoàn thành trước tháng 10 năm nay để các địa phương kịp chuẩn bị cho Đại hội đảng nhiệm kỳ mới. Vì vậy, việc sắp xếp nhân sự trong đợt sáp nhập này cần gắn cả với công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIV được Tổng Bí thư nêu ra đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước