Đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật này nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác, cũng như thể chế hoá các chủ trương quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế tập thể.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất đề nghị không sửa tên Luật thành Luật các tổ chức kinh tế hợp tác mà vẫn giữ nguyên tên gọi cũ. Nhiều ý kiến đồng tình việc đưa mô hình tổ kinh tế hợp tác vào dự thảo Luật vì hiện nay có hơn 100.000 tổ hợp tác đang hoạt động.
Tuy nhiên các đại biểu đề nghị cân nhắc làm rõ quy định về điều kiện thành lập vì quy định như dự thảo hiện có nhiều thủ tục không phù hợp, đồng thời đề nghị để tổ hợp tác được hưởng các chính sách của Nhà nước để phát triển, từng bước phấn đấu lên mô hình Hợp tác xã.
Bên cạnh đó, các thành viên đề nghị Ban soạn thảo xem xét làm rõ các quy định về quản lý nhà nước đối với các mô hình kinh tế tập thể, đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của các mô hình này đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!